Hỗ trợ kinh phí để tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020.
Hỗ trợ kinh phí để tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo ảnh 1Cán bộ Sở Tư pháp hướng dẫn người dân xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk tìm hiểu các văn bản pháp lý. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình.

Đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người được trợ giúp pháp lý khác theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo không thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Đối tượng thụ hưởng và địa bàn áp dụng hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng là người được trợ giúp pháp lý theo pháp luật về trợ giúp pháp lý ở các địa phương chưa tự cân đối ngân sách.

Theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg, viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn có đủ điều kiện tham gia khóa đào tạo nghề luật sư và cam kết làm việc trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý tại địa phương ít nhất 2 năm kể từ khi đi đào tạo về sẽ được hỗ trợ. Mức hỗ trợ theo mức học phí hiện hành của cơ sở đào tạo công lập với số lượng hỗ trợ tối đa 02 người/trung tâm/năm. Mức hỗ trợ tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý là 80.000.000 đồng/1 lớp/Trung tâm/năm.

Các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn cũng được hỗ trợ gồm: Thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý hỗ trợ là 20 triệu đồng/trung tâm; xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc trên Đài Truyền thanh xã với mức hỗ trợ biên soạn nội dung 500.000 đồng/1 số/6 tháng/xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ chi phí phát thanh 500.000 đồng/xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn/quý (06 lần/quý).

Tổ chức các đợt truyền thông trợ giúp pháp lý ở cơ sở cũng được hỗ trợ 2​ triệu đồng/xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn/lần/năm.

Đối với việc thực hiện vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình sẽ được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 17/9/2015 của Chính phủ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục