Hỗ trợ ngư dân bám biển: Tiền và chính sách đã có, chỉ chờ ngân hàng

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng, hỗ trợ ngư dân bám biển rất quan trọng, ngoài sản xuất kinh doanh đảm bảo đời sống còn giữ gìn an ninh quốc phòng.
Hỗ trợ ngư dân bám biển: Tiền và chính sách đã có, chỉ chờ ngân hàng ảnh 1Ngư dân Bình Định đóng mới nhiều tàu biển. (Ảnh: Viết Ý/TTXVN)

Nhiều ngư dân cho rằng, việc tiếp cận vốn của ngư dân tại các ngân hàng rất khó khăn vì không đủ tài sản để thế chấp. Tuy nhiên, mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ dành khoảng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân với lãi suất thấp.

Bên lề Quốc hội ngày 30/5, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình), nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà cho rằng hỗ trợ ngư dân bám biển rất quan trọng, ngoài sản xuất kinh doanh đảm bảo đời sống còn giữ gìn an ninh quốc phòng.

- Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra thông tin sẽ dành 10.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân bám biển. Vậy điểm mới của chương trình hỗ trợ này so với các chương trình hỗ trợ trước đây có gì khách không, thưa ông?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Theo tôi được biết, đây là chương trình lãi suất thấp, hai năm đầu không trả lãi (ân hạn), ngư dân được vay tới 90% số tài sản và được lấy chính tài sản đó làm thế chấp, không phải thế chấp nhà cửa nữa.

Đối với gói tín dụng là thủ tục thông thoáng, lãi suất thấp 3% và cho phép được đưa vào chi phí, cho mua bảo hiểm nên rủi ro ít. Đấy là những cái mới, cái thuận lợi khi triển khai chương trình này.

Cho vay đóng tàu thuyền rủi ro rất lớn nhưng nếu giải quyết được 3 vấn đề sau thì các tổ chức tín dụng có thể yên tâm. Đó là, được trích bảo hiểm; lãi suất quy định được nhà nước công nhận thì chi phí ban đầu cho vay vào giá thành, toàn xã hội chịu; khi có tranh chấp trên biển làm tàu thuyền của họ chìm thì bảo hiểm phải thanh toán.

Đây là những điểm để ngân hàng yên tâm cho vay. Tiền có rồi, chính sách rõ ràng rồi thì không vấn đề gì.

- Theo ông, có cần phải chọn cụ thể một số ngân hàng để tham gia chương trình này hay không?

- Ông Cao Sỹ Kiêm: Phải lựa chọn những ngân hàng thương mại lớn của Nhà nước như BIDV, Agribank.... Trước khi làm phải có sự cam kết của Chính phủ. Ví dụ, Nhà nước giao cho ngân hàng A thực hiện thì ngân hàng này sẽ được bù vào thứ khác như nộp ngân sách giảm đi.

Cho vay lĩnh vực này cũng gặp nhiều rủi ro vì ngoài thiên tai bão lũ thì vấn đề an ninh trên biển cũng thường xuyên xảy ra nên cần phải có bảo hiểm và được tính trong chi phí. Khi có vấn đề bảo hiểm sẽ thanh toán.

- Thường các công ty bảo hiểm không muốn tham gia bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản, vậy giải pháp nào cho vấn đề này, thưa ông?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Thiên tai nước ta rất nhiều. Mỗi cơn bão phá hỏng hàng chục tàu thuyền một lúc. Cho nên, bảo hiểm cho tàu đánh cá là rất lớn. Bảo hiểm chỗ này mà trong nước không làm được thì tái bảo hiểm. Tức là các công ty bảo hiểm nước ngoài tham gia. Các hãng bảo hiểm này lấy nguồn tài chính từ rất nhiều nơi trên thế giới để bù đắp cho 2-3 nơi bị thiên tai.

Vấn đề này tất nhiên là khó nhưng không phải là không làm được. Riêng tàu thuyền nhà nước bắt buộc phải mua bảo hiểm và giao cho một số doanh nghiệp phải bảo hiểm cho ngư dân. Đây còn là mục tiêu chính trị chứ không phải kinh doanh đơn thuần.

- Theo ông, mức lãi suất 3% hỗ trợ ngư dân đã hợp lý hay chưa?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Tất nhiên, với ngư dân thì vô cùng hợp lý, còn với Ngân hàng là chưa hợp lý. Vì nếu đúng về kinh doanh ngân hàng thì lãi suất huy động 6% mà cho vay 3% là lỗ. Nhưng vì nghề cá trên biển có tính quốc phòng an ninh nên Nhà nước phải có sự hỗ trợ. Phần chênh lệch ấy Nhà nước hỗ trợ không phải đưa tiền mặt mà đưa vào chi phí, giảm phần nộp của ngân hàng.

Trước đây, các ngân hàng thay vì ghi vào phần chi phí là 6% thì phải nộp theo số này chẳng hạn là 10.000 đồng nhưng bây giờ chỉ tính 3% thì chỉ nộp 6.000-7.000 đồng thôi.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục