"Hố tử thần" có thể liên quan tới đứt gãy địa chấn

"Hố tử thần" có thể liên quan tới hoạt động đứt gãy địa chấn bởi 1 hố sâu có dung tích hơn 3.000m3 xuất hiện trong thời gian rất ngắn.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đình Hòe, Trưởng Ban phản biện xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) nhận định nên xem xét 'hố tử thần' trên đường Lê Văn Lương-Hà Nội dưới góc nhìn về hoạt động đứt gãy địa chất."

Vào sáng 19/8, trên mặt đường đoạn Lê Văn Lương kéo dài chạy qua khu đô thị mới Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, xuất hiệt vết nứt lớn cắt ngang, có hiện tượng sụt lún với chiều dài 10m và sâu 2m.

Hiện đang có nhiều ý kiến tranh luận về nguyên nhân gây ra sự cố này. Có ý kiến cho rằng do con đường được xây dựng ẩu, ý kiến khác lại đặt vấn đề có thể do công trình nhà cao tầng kế bên đào tầng hầm gây ra.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một chuyên gia về kiến tạo địa chất, phó giáo sư Nguyễn Đình Hòe lưu ý về hiện tượng nứt đất ngầm do sự trượt êm không động đất của các đứt gãy địa chất dưới sâu, bởi sự xuất hiện một hố sâu có dung tích hơn 3.000m3 chỉ trong một thời gian rất ngắn (từ sáng 19 đến chiều 20/8).

Tác giả đặt câu hỏi: "Ngần đó vật liệu (đất, cát) đã trôi đi đâu với tốc độ trung bình trên dưới 100m3/giờ? Một khi không thấy chúng trôi ngang sang vị trí lân cận thì chỉ có thể là chúng chui xuống lòng đất mà thôi. Khả năng này thường xảy ra trong các sự cố nứt đất ngầm. Một loại nứt đất liên quan đến chuyển động trượt êm không động đất do các đứt gãy địa chất dưới sâu tạo ra."

Đặc biệt, vùng Tây Nam Hà Nội được xác định nằm trong đới phá hủy của Hệ đứt gãy sâu Sông Hồng-Sông Chảy, nhiều năm qua đã gắn với các sự cố nứt đất ngầm.

Hệ đứt gãy này vẫn hoạt động mạnh trong giai đoạn hiện đại, tạo ra đới phá hủy trên mặt rộng vài chục km và nhiều vụ nứt đê và công trình cứng đã được ghi nhận. Còn vùng Tây Nam Hà Nội (gần Hà Đông) là đồng bằng phù sa, tầng trầm tích hiện đại bở rời dày cả trăm mét.

Trong điều kiện đó, các dòng sông lẽ thường phải có dạng uốn lượn quanh co và tạo ra hàng loạt hồ móng ngựa. Nhưng nhìn trên ảnh vệ tinh Google thấy rất rõ sông Nhuệ và các chi lưu có mạng lưới dòng chảy rất dị thường. Đó là xen với những đoạn uốn khúc già nua là những đoạn thẳng, quay ngoặt vuông góc hay tạo thành góc nhọn với phần thượng lưu.

Cấu trúc thủy văn này trong Địa chất Môi trường được gọi là dị thường thủy văn, do hoạt động đứt gãy hiện đại tạo ra.

Hiện tượng nứt ngầm do đứt gãy trượt êm không động đất bao giờ cũng phát triển từ dưới sâu lên phía bề mặt. Từ mặt đứt gãy trong móng địa chất cứng dưới sâu, các tuyến nứt tỏa dần lên trên mặt đất theo dạng cành cây, tạo ra một đới phá hủy không liên tục trên mặt đất rộng thậm chí hàng chục km.

Chúng có thể phá hủy các đường cống ngầm, làm sụp đổ trần các hang động ngầm, làm xuất hiện các dòng nước ngầm phun vọt lên mặt đất, kích động hiện tượng cát sôi, cát chảy, hay dẫn nước chui mất tăm khiến hồ chứa bên trên bỗng nhiên cạn khô...

Do vận động của đứt gãy mà trong đới phá hủy của hệ khe nứt thường có nhiều hang hốc ngầm, khiến đới phá hủy trở nên rỗng xốp, trở thành kênh dẫn mọi thứ vật liệu nhỏ mịn xuống sâu trong lòng đất, nhất là khi có dòng nước chảy ngầm trong đới phá hủy (ví dụ vỡ ống cống ngầm dẫn nước). Khi đó, những rãnh nứt sâu, những “dãy hố tử thần” có thể xuất hiện trên mặt đất như là một kết quả tất yếu.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đình Hòe lưu ý thêm, việc xác minh sự có mặt của phá hủy đứt gãy tại khu vực có “hố tử thần” rất dễ dàng nếu dùng phương pháp đo địa vật lý. Nếu như nứt đất ngầm không có vai trò gì trong sự cố lần này thì cũng không thể loại trừ việc chúng có thể gây sự cố trong tương lại, như dự báo mà các chuyên gia địa chất đã chỉ rõ từ nhiều năm trước./.

Quang Chính (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục