Hoa Kỳ giúp xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng

Ngày 19/4 tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra lễ khởi động hệ thống xử lý nhiệt Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm Dioxin tại Sân bay Đà Nẵng.

Ngày 19/4 tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra lễ khởi động hệ thống xử lý nhiệt Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm Dioxin tại Sân bay Đà Nẵng do Việt Nam và Hoa Kỳ tổ chức trước sự chứng kiến của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng; Đoàn Nghị sĩ Hoa Kỳ; Đại sứ Hoa Kỳ David Shea; các quan chức cấp cao của Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam...
 
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ vui mừng trước kết quả hợp tác của hai nước sau 2 năm chính thức khởi công dự án và tin tưởng trong 2 năm tiếp theo, dự án sẽ đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Thượng tướng khẳng định đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt, bên cạnh sự nỗ lực của Nhà nước Việt Nam còn có sự quan tâm của Chính phủ, Quốc hội Hoa Kỳ, đặc biệt là cá nhân Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy; Sự thành công của công trình không những nhằm khắc phục hậu quả của quá khứ mà còn là con đường của sự phối hợp để phát triển trong tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ...
 
Đại sứ Hoa Kỳ David B. Shear cho biết: "Tôi không thể nghĩ được ví dụ nào tốt hơn dự án này để nói về tình hữu nghị ngày càng phát triển của chúng ta. Từ hôm nay, đất bị nhiễm dioxin sẽ được đốt nóng đến nhiệt độ rất cao để phân hủy dioxin. Sau khoảng 4 tháng đất sẽ được phân tích để khẳng định các mục tiêu làm sạch của dự án đã đạt được. Chúng tôi hy vọng tất cả các khu vực bị nhiễm sẽ được làm sạch vào cuối năm 2016 sau khi tiến hành đào xúc giai đoạn 2. Hướng về tương lai, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng Việt Nam đang phát huy những tiến bộ đầy ấn tượng của dự án và mở rộng quan hệ đối tác để tiến hành đánh giá môi trường tại sân bay Biên Hòa. Việc đánh giá này sẽ giúp xác định quy mô và mức độ ô nhiễm dioxin tại đó và đánh giá một cách khoa học những phương pháp đã được chứng minh để cách ly và làm sạch dioxin..."
 
Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy bày tỏ: Chúng ta có mặt tại đây để nghi nhận những nỗ lực chung giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả của chất độc da cam/dioxin. Mục tiêu của chúng tôi là loại bỏ mối đe dọa từ dioxin cho người dân sinh sống ở đây; chứng minh rằng, sau nhiều năm, Hoa Kỳ không bỏ qua mà đã quay lại và đang xử lý vấn đề này; và rằng hai nước có thể hợp tác cùng nhau để giải quyết một vấn đề đã tồn tại trong suốt hơn 3 thập kỷ qua và nhằm cải thiện các dịch vụ dành cho người khuyết tật, bất kể nguyên nhân, kể cả khuyết tật có thể do chất độc da cam gây ra...

Ông khẳng định dự án này rất ấn tượng về quy mô và tính phức tạp về công nghệ, nhưng quan trọng hơn, dự án cho thấy khả năng chúng ta có thể hợp tác cùng nhau để giải quyết hậu quả của cuộc chiến tranh đã gây ra rất nhiều đau thương cho cả hai nước.
 
Việc vận hành xử lý nhiệt nhằm xử lý 45 nghìn mét khối đất và bùn ô nhiễm dioxin đã được đào xúc và đặt trong một kết cấu bể chứa tại sân bay Đà Nẵng. Đất và bùn ô nhiễm sẽ được nung nóng tới nhiệt độ tối thiểu là 335 độ C (570 độ F). Khi đó, khoảng 95% dioxin sẽ phân hủy.
 
Bất kỳ lượng dioxin nào không bị phân hủy trong kết cấu xử lý đều được thu gom dưới dạng lỏng hoặc hơi và được xử lý trước khi được đưa trở lại môi trường. Chất lỏng và hơi đã qua xử lý sẽ được phân tích để đảm bảo các hợp chất hóa học có trong đó, bao gồm cả dioxin, đạt ngưỡng an toàn. Công tác đào xúc giai đoạn 2 đã được bắt đầu từ tháng 2/12014. Chính phủ hai nước dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016.
 
Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ và Hoa Kỳ đã hợp tác về các vấn đề liên quan đến chất da cam từ năm 2000. Hỗ trợ của Hoa Kỳ trong lĩnh vực xử lý môi trường và y tế đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cả hai Đảng tại Quốc hội Hoa Kỳ.
 
Đặc biệt Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy thuộc bang Vermont đã vận động và ủng hộ mạnh mẽ cho nỗ lực xử lý dioxin nhằm giúp giải quyết các vấn đề hậu chiến tranh và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ./.
 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục