Họa sĩ Nguyễn Khang - người thầy tranh sơn mài

Nguyễn Khang (1911-1989) là một trong những họa sỹ Việt Nam áp dụng thành công thể loại tranh sơn mài vào nền hội họa Việt Nam.
Họa sỹ Nguyễn Khang sinh ngày 16/12/1911, quê gốc ở làng Yên Thái, nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Năm 19 tuổi, Nguyễn Khang đỗ đầu khoá 6 (1930-1935) trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là người thành danh duy nhất ở khóa học này. Nguyễn Khang là một trong những họa sỹ Việt Nam áp dụng thành công thể loại tranh sơn mài vào nền hội họa Việt Nam. Ông từng là Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp (1962-1974). Điểm độc đáo trong nghệ thuật tranh sơn mài của ông là ông đã tìm ra được bí quyết tán nhỏ vàng bạc (quỳ vàng) thành cám vàng rồi dùng dây (sàng mắt nhỏ) rắc đều cám vàng lên bề nền sơn ta, sau đó mài đi. Kỹ thuật này làm cho các tác phẩm hội họa sơn mài trở nên phong phú về chất liệu và màu sắc, không chỉ còn đơn điệu những màu tối trầm của chất liệu sơn mài. Những thử nghiệm thành công đó đã giúp họa sỹ Nguyễn Khang sáng tạo nên những tác phẩm độc đáo và liên tục tham gia các triển lãm ở trong nước và quốc tế, đoạt phần thưởng danh dự (triển lãm kỹ thuật và mỹ thuật Paris 1937), bằng khen Ngoại hạng (triển lãm Sadeai 1939 và triển lãm Duy Nhất 1943), giải thưởng triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1960 và 1962. Năm 1939, Ban tổ chức triển lãm San Francisco (Mỹ) đã mời họa sỹ tham gia hội đồng chấm giải, nhưng rất tiếc ông không tham dự được. Tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Khang và các đồng nghiệp cùng thời đã gây tiếng vang tại triển lãm mỹ thuật 12 nước xã hội chủ nghĩa tổ chức tại Liên Xô.
Họa sĩ Nguyễn Khang - người thầy tranh sơn mài ảnh 1
(Nguồn: dangcongsan)

Tác phẩm “Bác Hồ về thăm bản làng” ông vẽ năm 1958 đã được Nhật Bản mua và bày trong Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Fukuoka.

Họa sỹ Nguyễn Khang đã tham gia Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Hà Nội. Toàn quốc kháng chiến (năm 1946), ông cùng nhiều văn nghệ sỹ lên Việt Bắc tham gia Đoàn văn hóa kháng chiến.

Giai đoạn 1949-1951, ông được cử làm Hiệu trưởng trường Mỹ thuật kháng chiến Liên khu X; 1951-1957 giảng dạy tại khu học xá Trung ương Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc.

Trở về nước, họa sỹ Nguyễn Khang tham gia sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam và được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa I (năm 1957).

Năm 1959, ông được cử làm Hiệu phó trường Trung cấp Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, nơi ông làm Hiệu trưởng từ năm 1962-1974). Với cương vị đó, ông đã có công lớn trong việc đào tạo đội ngũ họa sỹ mỹ thuật ứng dụng đem cái đẹp phục vụ cuộc sống.

Sinh thời, họa sỹ Nguyễn Khang có vinh dự được Đảng và Nhà nước giao hoàn chỉnh thiết kế trang trí tang lễ cấp nhà nước và năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ông được cử làm Trưởng ban trang trí quốc tang Người. Bức chân dung Bác Hồ tại lễ quốc tang rộng 30m2 cũng do họa sỹ Nguyễn Khang vẽ.

 Ngoài ra, trong nhiều năm, họa sỹ Nguyễn Khang còn được giao nhiều trọng trách như làm Trưởng ban trang trí triển lãm 25 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; thiết kế trang trí Đại hội Đảng lần thứ IV và V; và là tác giả bìa và logo tạp chí Cộng sản.
 
Họa sỹ Nguyễn Khang sáng tác không nhiều, chỉ gần 40 tác phẩm, chủ yếu khổ lớn. Nhưng các tác phẩm của ông luôn được thể hiện tinh tế, giàu tính thẩm mỹ, chan chứa tình cảm với cuộc sống và con người đất Việt.

Ông mất ngày 15/11/1989 tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi đang sáng tác ba tác phẩm “Người đẹp hoa thơm,” “Vinh quy bái tổ” và “Những người săn hổ.

Năm 2000, họa sỹ Nguyễn Khang được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho chùm tác phẩm “Đánh cá đêm trăng” (năm 1943), “Hòa bình và hữu nghị” (năm 1958), “Hành quân qua suối” (năm 1962) và “Gia đình mục đồng” (năm 1982)./.

Đàm Trung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục