Hoãn tăng lương: Công chức nên sẻ chia khó khăn với Nhà nước

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, trong thời điểm chưa tăng lương thì các vấn đề về điện nước, xăng dầu… cũng nên kéo giãn để đời sống cán bộ công chức không quá khó khăn.
Hoãn tăng lương: Công chức nên sẻ chia khó khăn với Nhà nước ảnh 1Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, công chức nên chia sẻ khó khăn với Nhà nước. (Ảnh: Vietnam+)

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, các thành viên Chính phủ đã nhất trí sẽ trình Quốc hội phương án và thời điểm tăng lương cho cán bộ công chức, viên chức (áp dụng với đối tượng có bậc lương từ 2,34 trở lên) tại kỳ họp Quốc hội tháng 3/2016.

Bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đã trao đổi về vấn đề này.

- Thưa Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Quốc hội năm nào cũng yêu cầu Chính phủ tăng lương, nhưng bộ máy biên chế ngày càng lớn trong khi mức thu không được nhiều. Theo ông, nên cân đối vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Tăng lương là việc phải thực hiện theo lộ trình. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nguồn thu quốc gia giảm sút, không cân đối được thu chi nên Chính phủ chưa thực hiện tăng lương. Đây là nguyên nhân khách quan, chứ không phải do tăng biên chế tới mức không tăng lương được.

Tuy nhiên theo kế hoạch, chủ trương của Chính phủ đưa ra là năm 2016 sẽ thực hiện lộ trình tăng lương.

Hoãn tăng lương: Công chức nên sẻ chia khó khăn với Nhà nước ảnh 2Giá các mặt hàng như dầu, điện… đều tăng, gây áp lực lớn lên cuộc sống của người dân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Việc hoãn lộ trình tăng lương gây thiệt thòi cho rất nhiều cán bộ công chức, viên chức. Hiện nay, mức lương của công chức, viên chức là thấp trong khi hết các mặt hàng như giá dầu, điện… đều tăng, gây áp lực lớn lên cuộc sống, thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Khi hoãn tăng lương thì thiệt thòi cho người lao động, cho cán bộ công chức, viên chức nhà nước. Nhưng, tôi cho rằng công chức nên sẻ chia với khả năng của ​Nhà nước bởi trong khi nguồn thu ngân sách chưa có mà đòi hỏi quá cũng không được.

Tôi nghĩ, so với thời kỳ chiến tranh, đồng lương hiện nay của công chức còn tốt hơn nhiều lần. Chính bởi vậy, việc chưa tăng lương chưa đến mức đẩy cán bộ công chức, người lao động vào tình thế quá khó khăn, vất vả.

Tất nhiên, trong thời điểm hiện nay chưa thực hiện được lộ trình tăng lương thì các vấn đề về điện nước, xăng dầu… cũng nên kéo giãn để đời sống cán bộ công chức không quá khó khăn.

- Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh vấn đề tiết kiệm chi. Việc này được thực hiện như thế nào ở Quảng Bình, thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương:
Theo Nghị định của Chính phủ, cả nước giảm chi 10%. Việc này từ tài chính, kho bạc trừ hẳn trong số ngân sách ấn định cho các cơ quan đơn vị.

Tại các địa phương, trong đó có Quảng Bình, tỉnh đã có công văn, chỉ thị về cắt giảm chi tiêu như hạn chế mua sắm công, thắt chặt chi tiêu, mua sắm tài sản công phải qua khảo sát giá, đấu thầu, định giá… Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng có chủ trương phải chi đúng mức, tập trung giảm biên chế: 2 người về hưu mới được tuyển một người.

- Có ý kiến cho rằng, chúng ta đang cố gắng để tăng chi, nhưng thực tế thì việc này không thực hiện được, thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương:
Tôi cho rằng việc tăng chi hằng năm là bình thường. Bởi lẽ, cuộc sống phát triển, nhu cầu phát triển thì việc tăng chi sẽ không thể tránh khỏi, cho dù Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm thắt chặt tiết kiệm, đầu tư công, mua sắm công…

Vấn đề của chúng ta ở đây là nguồn thu như thế nào. Thời gian qua có nhiều yếu tố khiến nguồn thu bị giảm đi như tác động của tình hình kinh tế thế giới, giá dầu, nhiều kẽ hở trong thu thuế…

Tôi lấy ví dụ như thuế giá trị gia tăng. Thói quen của người Việt là mua bán hàng hóa không có hóa đơn, doanh nghiệp không tự giác xuất hóa đơn hoặc xuất với mức giá giảm để trốn thuế…


- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục