Hoàn thiện chương trình quản lý bệnh tăng huyết áp trong cả nước

Trong năm 2014, cả nước có 1.244 xã, phường được khám sàng lọc và quản lý bệnh nhân tăng huyết áp, vượt 65 xã phường so với kế hoạch.
Hoàn thiện chương trình quản lý bệnh tăng huyết áp trong cả nước ảnh 1Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho người dân. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị triển khai dự án phòng, chống tăng huyết áp quốc gia năm 2015 tổ chức sáng 11/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho hay, mỗi tỉnh có mô hình triển khai dự án một cách đặc thù đã góp phần tạo nên một mạng lưới từ trung ương tới xã phường có hệ thống quản lý bệnh tăng huyết áp tốt. Đặc biệt, việc triển khai mô hình quản lý thí điểm bệnh nhân tăng huyết áp ở một số bệnh viện huyện, xã, phường, bước đầu thu được nhiều kết quả.

Trong năm 2014, cả nước có 1.244 xã, phường được khám sàng lọc và quản lý bệnh nhân tăng huyết áp, vượt 65 xã phường so với kế hoạch. Tổng số người dân được khám sàng lọc, quản lý tăng huyết áp ở tất cả các các tỉnh là hơn 619.400 người, vượt chỉ tiêu được giao (chỉ tiêu được giao là hơn 500.000 người).

Theo Thứ trưởng Xuyên, thời gian gần đây, tăng huyết áp đang trở thành vấn đề thời sự vì sự gia tăng nhanh chóng số người mắc bệnh trong cộng đồng, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, dự án cần mở rộng triển khai và duy trì mô hình quản lý bệnh nhân tăng huyết áp tại các tuyến, phấn đầu đạt chỉ tiêu 50% số bệnh nhân tăng huyết áp nguy cơ cao được phát hiện sẽ được điều trị đúng theo phác đồ.

Giáo sư Nguyễn Lân Việt - Giám đốc Ban quản lý dự án phòng, chống tăng huyết áp phân tích, thông thường tăng huyết áp gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, suy thận, phình hoặc tách thành động mạch. Thậm chí, căn bệnh này còn làm cho người bệnh trở nên tàn phế, có thể tử vong.

Tuy nhiên, thời gian gần đây tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp có xu hướng gia tăng. Tại bệnh viện, trước kia có những biến chứng của bệnh tăng huyết áp rất ít gặp như phình tách động mạch chủ - bệnh lý trước kia rất hiếm gặp, giờ phổ biến nhiều hơn.

Bên cạnh đó, các biến chứng của bệnh tăng huyết áp xuất hiện ở nhiều người Việt Nam như các biến chứng về não, đi từ tai biến mạch máu não thoáng qua như rơi bát, đồ vật cầm trên tay, sụt mi, yếu nửa người, nói ngọng, mất tiếng đến biến chứng nặng như liệt nửa người, hôn mê… dẫn tới tử vong.

Tăng huyết áp là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới ảnh hưởng lớn đến gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Tỷ lệ tăng huyết áp trong cộng đồng ngày một gia tăng, những tai biến, hậu quả của tăng huyết áp lớn, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội của đất nước và từng gia đình. Chính vì vậy, dự án phòng chống tăng huyết áp được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia từ 2008-nay.

Trước mối lo nêu trên, giáo sư Việt khuyến nghị: “Để đảm bảo sức khỏe, chúng ta cần phải kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ về tim mạch. Việc điều trị tăng huyết áp cần phải được thực hiện một cách liên tục, lâu dài thậm chí là suốt đời”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục