Hoàn thiện khung pháp lý thực hiện Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết mặc dù Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản Việt Nam được thành lập từ năm 2007 nhưng Quỹ vẫn chưa được triển khai và đưa vào hoạt động.
Hoàn thiện khung pháp lý thực hiện Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản ảnh 1Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Tiền. (Ảnh: Vương Thoại Trung/TTXVN)

Ngày 3/4, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị tổng kết dự án Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý thực hiện Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng Cơ quan phát triển Quốc tế Đan Mạch tổ chức.

Hội nghị tập trung vào các nội dung điều tra, nghiên cứu, đánh giá hoạt động của một số tổ chức, cá nhân trực tiếp trong sản xuất thủy sản để đề xuất cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn đối với mức đóng góp từng đối tượng cho Quỹ; đồng thời đề xuất thực hiện khung pháp lý thực hiện Quỹ là những kết quả đạt được của dự án Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý thực hiện Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản Việt Nam sau khi triển khai tại Phú Yên, Kiên Giang và Hà Nội.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết mặc dù Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản Việt Nam được thành lập từ năm 2007 nhưng Quỹ vẫn chưa được triển khai và đưa vào hoạt động.

Để triển khai hoạt động của Quỹ, Quỹ đã thực hiện dự án “Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý thực hiện Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản Việt Nam” do Chính phủ Vương quốc Đan Mạch tài trợ.

Theo ông Phạm Trọng Yên, Giám đốc Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản Việt Nam, dự án cũng đề xuất hướng tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính khả thi triển khai Quỹ, trang bị cơ sở vật chất ban đầu cho Quỹ.

Việc điều tra, nghiên cứu được tiến hành ở hai địa điểm Phú Yên và Kiên Giang về các tổ chức, cá nhân khai thác, tiêu thụ cá ngừ đại dương, nuôi tôm hùm, khai thác cá cơm và làm nghề lưới kéo nhằm xác định trách nhiệm của các đối tượng này trong việc đóng góp cho Quỹ.

Trong quá trình nghiên cứu kết hợp điều tra hiện trạng môi trường, nguồn lợi thủy sản, các thông tin quản lý nghề cá, sử dụng nguồn lợi thủy sinh và các vấn đề liên quan đến quản lý cung cấp thông tin tổng quan về việc khai thác sử dụng nguồn lợi cũng như các vấn đề quản lý, nguyên nhân và các giải pháp tiềm năng để có thể giải quyết các vấn đề đó. Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý và sử dụng nguồn tài chính để tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Theo ông Phạm Trọng Yên, dự án mới tập trung nghiên cứu một số ít nghề, đối tượng. Cần có các nghiên cứu đầy đủ, toàn diện hơn với chuỗi các sản phẩm thủy sản chủ lực, sản phẩm có sản lượng khai thác, nuôi trồng cao, từ đó xác định cân đối giữa các tác nhân hưởng lợi từ việc sử dụng nguồn lợi thủy sản, mức độ hưởng lợi để đưa ra mức thu, phương thức thu phù hợp với từng tác nhân.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đánh giá thực trạng khai thác của các đội tàu khác làm căn cứ cho việc tính phí Quỹ; nghiên cứu liên quan đến các tổ chức, cá nhân có các hoạt động tác động xấu đến nguồn lợi thủy sinh và các hoạt động bảo tồn, tái tạo nguồn lợi cho phát triển sản xuất bền vững.

Nhằm từng bước phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang bị cạn kiệt, góp phần cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư sống dựa vào nguồn tài nguyên thủy sản, đồng thời nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và tạo nguồn tài chính bền vững để bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29/2007/QĐ-TTg ngày 28/2/2007 về việc thành lập và quy định về tổ chức, hoạt động của Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục