Hoạt động chế tạo ở Trung Quốc giảm nhanh nhất trong hơn ba năm

Hoạt động chế tạo tại Trung Quốc tháng 11 giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 3 năm, cho thấy cần thiết phải có biện pháp kích thích bổ sung.
Hoạt động chế tạo ở Trung Quốc giảm nhanh nhất trong hơn ba năm ảnh 1Công nhân Trung Quốc làm việc. (Nguồn: AP)

Theo kết quả khảo sát chính thức công bố ngày 1/12, hoạt động chế tạo tại Trung Quốc trong tháng 11 giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn ba năm, cho thấy sự cần thiết phải có các biện pháp kích thích bổ sung khi nước này muốn thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Cục Thống kê quốc gia của Trung Quốc công bố số liệu cho thấy, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) chính thức của nước này ở mức 49,6 trong tháng 11, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2012 và giảm so với con số 49,8 của tháng trước đó, đánh dấu tháng giảm thứ tư liên tiếp của hoạt động chế tạo.

PMI ở mức dưới 50 cho thấy sự giảm sút trong hoạt động này giữa các tháng.

Trong một đánh giá sau khi số liệu trên được công bố, hai nhà kinh tế của ANZ là Li-Gang Liu và Louis Lam nhận định, với động lực tăng trưởng yếu và sức ép giảm phát gia tăng, Trung Quốc sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa và tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng nhằm ngăn chặn đà suy giảm sâu hơn của nền kinh tế trong năm 2016.

Trong khi đó, theo báo cáo chung công bố cùng ngày của tập đoàn truyền thông Caixin của Trung Quốc và hãng cung cấp thông tin Markit, PMI lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc tăng lên 48,6 trong tháng 11, vượt dự báo của thị trường là 48,3, cho thấy hoạt động chế tạo giảm trong chín tháng liên tiếp.

Khảo sát của Caixin tập trung nhiều hơn vào các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ đến vừa vốn chịu sức ép hơn trước tình trạng giảm tốc kéo dài của nền kinh tế và chi phí cao, trong khi khảo sát chính thức chú trọng hơn đến các doanh nghiệp lớn của nhà nước.

Mặc dù nhiều biện pháp kích thích đã được thực hiện, trong đó có việc hạ lãi suất sáu lần kể từ tháng 11 năm ngoái, số liệu của tháng 10 cho thấy động lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục chậm lại.

Một số nhà phân tích kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ bứt đáy trong quý IV/2015, khi các biện pháp kích thích đã được thực hiện sẽ dần phát huy tác dụng, trong khi nhiều người vẫn lo ngại về triển vọng này.

Thủ tướng Lý Khắc Cường tuần trước nói Trung Quốc vẫn đang trên đà đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 7% trong năm nay và nền kinh tế đang có những điều chỉnh để duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý trong trung và dài hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục