Hoạt động mậu biên gia tăng có lợi cho cả Trung Quốc và Việt Nam

Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý Thương mại Biên giới của Đông Hưng (Quảng Tây), có khoảng 100 cửa hàng Việt Nam ở trung tâm thương mại biên giới và giá trị giao dịch vượt 10 triệu N​hân dân tệ/ngày.
Hoạt động mậu biên gia tăng có lợi cho cả Trung Quốc và Việt Nam ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Thái Thuần/TTXVN)

Với hơn 10.000 lượt người dân Trung Quốc và Việt Nam hàng ngày qua lại biên giới ở gần Nam Ninh, giao thương giữa hai nước đang tiếp tục gia tăng nhờ các chính sách hỗ trợ của chính phủ hai nước.

Theo THX, Trung Quốc cho phép cư dân sinh sống ở khu vực dọc biên giới thực hiện các hoạt động mậu biên quy mô nhỏ trong thập niên 1990, thúc đẩy hoạt động buôn bán qua biên giới giữa hai nước. Tại Dongxing, khu vực thương mại biên giới phát triển với quy mô lớn hàng đầu ở Trung Quốc, có hơn 10.000 người dân kinh doanh hải sản, nông sản và hàng may mặc hàng ngày.

Các cư dân Trung Quốc sống ở biên giới có thể mua tới 8.000 Nhân dân tệ hàng hóa Việt Nam/ngày mà không phải trả thuế, đã dẫn tới tình trạng gia tăng mạnh giao dịch thương mại ở khu vực biên giới hai nước. Theo Jiang Biao, Phó Giám đốc Ban Quản l​ý Thương mại Biên giới của ​Dongxing (Đông Hưng, thuộc tỉnh Quảng Tây), khoảng 100 cửa hàng Việt Nam ở trung tâm thương mại biên giới hiện nay và giá trị giao dịch vượt 10 triệu N​hân dân tệ/ngày.

Để thúc đẩy hoạt động thương mại mậu biên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng trung ương), năm 2013 đã thông qua dự án thử nghiệm về thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ tại khu vực biên giới dành cho các cá nhân tại ​Đông Hưng. Trước đây, hoạt động thanh toán trong giao dịch mậu biên được thực hiện thông qua đồng USD thường gây bất lợi do biến động về tỷ giá. Theo số liệu mới nhất của Hải quan Trung Quốc, thương mại mậu biên ở tỉnh Quảng Tây trong nửa đầu năm 2015 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2014, lên 46 tỷ Nhân dân tệ (7,3 tỷ USD) - mức cao nhất trong số các tỉnh thành có đường biên giới chung với nước láng giềng.

Theo nhà nghiêu cứu Zhao Minglong của Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, tăng cường thương mại song phương giúp ích cho người dân ở khu vực biên giới của Trung Quốc và Việt Nam và góp phần vào sự phát triển ổn định, thịnh vượng và hòa bình của cả hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục