Hoạt hình Việt: “Gấu ngủ đông tỉnh giấc"

Mỗi tập phim hoạt hình 10 phút mất từ 1,5 - 2 tháng để hoàn tất, nên không "kinh tế" bằng sản xuất phim truyền hình “mì ăn liền”.
Nửa thế kỷ, hoạt hình Việt vẫn chưa tạo được đột phá và dường như vẫn chìm theo “giấc ngủ dài”. Trong khi khán giả nhí đang “no nê” phim trên Cartoon Networks, Disney Channel… thì ngay kênh Bibi do mình sáng lập cũng vắng bóng phim hoạt hình “cây nhà lá vườn”.

"Gấu ngủ đông" nửa thế kỷ

Nguyên nhân phim Việt bị đánh bại ngay trên sân nhà xuất phát từ sự yếu kém về kinh phí, nhân lực, kịch bản nghèo nàn… Hãng phim hoạt hình Việt Nam sản xuất từ 8 đến 10 phim/năm với thời lượng khoảng 10 phút/phim tính ra cũng chỉ đủ chiếu trong một tuần.

Xưởng phim hoạt hình của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam cũng chỉ cho ra lò khoảng 10-15 phim/năm. Trong khi đó, phim nước ngoài ồ ạt phát sóng vượt xa phim nội về chất lượng, nội dung lẫn thời lượng. Kinh phí cho mỗi tập phim hoạt hình cũng có sự “phân cấp”.

Hoạ sĩ Trần Thanh Việt, Xưởng phim hoạt hình, Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam cho biết: “Kinh phí sản xuất một phim của Xưởng phim hoạt hình chỉ bằng 1/3 bên Hãng phim hoạt hình Việt Nam.

Chúng tôi làm mỗi tập 10 phút với kinh phí 100 triệu đồng/tập và mất từ 1,5 đến 2 tháng để hoàn tất, bởi cứ 3-5 giây được một cảnh, mỗi cảnh tương đương 50-60 hình. Như vậy, xét về tính kinh tế rõ ràng sản xuất một phim hoạt hình thua xa mấy phim truyền hình “mì ăn liền”, khi mà chỉ trong 2-3 ngày họ có thể quay xong một tập phim thời lượng 60 phút với giá thậm chí không quá 80 triệu”.

Còn ông Lê Ngọc Minh, Cục phó Cục Điện ảnh thừa nhận: “Phim của chúng ta có quá ít yếu tố giả tưởng, chưa chú trọng đến tính giải trí”.

Hoạt hình Việt quá “lành” vì chưa biết khai thác ưu thế của phim hoạt hình là những cảnh phi thực tế, những chi tiết khiến người xem thích thú. Ví dụ, trong “Tom and Jerry”: mèo bị gài bom nổ xong vẫn vùng dậy đuổi chuột, hay chuột đánh mèo phẳng lì như tờ giấy rồi lại trở về hình dạng cũ, thậm chí chuột Jerry có thể ăn cả bàn tiệc thức ăn khổng lồ… Chỉ có hoạt hình mới làm được những chi tiết phi lý đó, các thể loại khác có muốn cũng không thể, tiếc là chúng ta chưa biết tận dụng ưu thế này.

Vì sao trẻ em không mặn mà?

Hoạt hình giờ đây không chỉ là các nhân vật sống động và màu sắc tươi sáng trên những bộ phim hoạt hình gắn mác “đại gia” lớn như Walt Disney, Wanner Bros, Dreams Work… vẫn được các em nhỏ yêu thích, mà còn có nhiều lựa chọn tùy theo sở thích, từ dòng anime và manga của Nhật Bản đến những bộ phim 3D hoành tráng của các hãng nổi tiếng trên thế giới.

Trẻ em thích thú và nhiều người lớn cũng bắt đầu có thói quen xem hoạt hình. Vì lẽ đó, với tốc độ chậm chạp hiện nay họat hình nội càng khó có cơ hội tiếp cận khán giả.

Thu Huyền, 14 tuổi, ở chợ Bưởi, Hà Nội nói: “Em hầu như không xem phim hoạt hình Việt Nam vì không hấp dẫn, hình ảnh xấu, nội dung đơn điệu, thuyết minh thì chẳng hồn nhiên. Hơn nữa, phim của mình ít quá, có chiếu cũng toàn vào giờ em phải đi học. Em thích xem hoạt hình 3D nước ngoài, nhất là loạt phim về búp bê Barbie”.

Hay như Khánh Sơn, 11 tuổi, ở Chương Dương Độ cho rằng: “Em thấy các cô chú và cả các bạn lồng tiếng phim hoạt hình không hay, không tự nhiên. Em thường xem phim nước ngoài vì những lúc học xong mở kênh Cartoon Networks lên lúc nào cũng có phim. Em đặc biệt thích hoạt hình về danh hài Mr Bean đang phát trên kênh Disney Channel, còn những phim Việt không hợp với sở thích của em”.

Hoạ sĩ Trần Thanh Việt cho rằng: “Sở dĩ các em quay lưng lại với hoạt hình trong nước là do đội ngũ biên tập của ta kém năng lực, thiếu chuyên môn, nhất là không nắm bắt được thị hiếu của các em nhỏ”.

Đông qua, “gấu” có tỉnh?

Sau mấy thập kỷ sống “lay lắt”, giờ đây hoạt hình Việt đang có tín hiệu vui ghi dấu bằng sự kiện từ ngày 5/6, kênh HTV7 bắt đầu phát sóng 26 tập phim của loạt 55 tập phim hoạt hình 3D “Lu và Bun” vào 18h35 thứ sáu hàng tuần. “Lu và Bun” là các câu chuyện về sư tử Lu và thỏ Bun với những sở thích và tính cách khác nhau dẫn đến những pha hài hước và kịch tính…

Tiếp đó, các em sẽ được thưởng thức loạt các tập phim 2D khoa học viễn tưởng “Bộ ba hoàn hảo”, kể về ba bạn nhỏ có tên cùng bắt đầu bằng chữ “H”. Nhờ trí thông minh, ưa tìm tòi, khám phá, ba bạn đã tìm được ba viên ngọc bội có những quyền năng đặc biệt, từ đó ra sức diệt trừ cái ác, bảo vệ lẽ phải…

Đặc biệt, dự án phim dài hơi nhằm kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long mang tên “Chiếc giếng thời gian” về đề tài lịch sử từ thủa hồng hoang dựng nước đến nay được đánh giá là một nỗ lực lớn của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC).

Phim có công lớn của Giáo sư Vũ Khiêu. Với niềm “đam mê” cụ Rùa (dân gian coi là một trong bốn tứ linh) ông đưa ra ý tưởng cụ Rùa đi xuyên thời gian. Đạo diễn Minh Trí tiếp đó đã tiếp tục nâng ý tưởng thành hiện thực.

Xét về dung lượng và kinh phí trong lịch sử làm phim hoạt hình của ta, đây được xem là bộ phim hoành tráng nhất với 100 tập, mỗi tập 13 phút, kinh phí 100 triệu đồng/tập.

Được khởi động từ cuối năm 2005, tính đến nay dự án đã thực hiện được khoảng 70 tập. Bốn năm đã trôi qua, những tập đầu lần lượt được xuất xưởng nhưng lại lên sóng trong tình trạng lặng lẽ “không kèn không trống”. Tuy nhiên, những người thực hiện hy vọng, sau khi 100 tập phim lên sóng sẽ nhận được phản hồi từ phía người xem, thậm chí mong muốn được phê bình thẳng thắn…

Những “phát súng” yếu ớt này có thể làm cho “chú gấu” hoạt hình Việt tỉnh giấc? Câu trả lời còn đợi những khán giả nhí lên tiếng./.
Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục