Học giả quốc tế thảo luận về Biển Đông và đường lưỡi bò

Các nhà ngoại giao, các học giả hàng đầu về Biển Đông đã tham gia hội thảo "Xung đột ở Biển Đông: Luật pháp, chính trị và ngoại giao," tổ chức ngày 4/5, tại New York.
Học giả quốc tế thảo luận về Biển Đông và đường lưỡi bò ảnh 1(Ảnh: Quang Tuyến-Lê Dương/Vietnam+)

Một hội thảo về Biển Đông đã diễn ra tại thành phố New York của Mỹ vào ngày 4/5, với phần trình bày của một số học giả nổi tiếng cùng đông đảo giới ngoại giao nhiều nước, nhà nghiên cứu đến từ một số viện, trường đại học ở Mỹ tham dự.

Hội thảo với nhan đề "Xung đột ở Biển Đông: Luật pháp, chính trị và ngoại giao" do Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk - JPR) có trụ sở tại New York, tổ chức.

Đã có khoảng 100 khách mời tham dự hội thảo gồm nhiều nhà ngoại giao các nước tại Liên hợp quốc, học giả, giới nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu ở vùng Đông Bắc Mỹ.

Hội thảo có sự tham dự của các học giả hàng đầu về Biển Đông như Gordon G. Chang, tác giả cuốn: "Đổ vỡ sắp tới của Trung Quốc;" Bill Hayton, tác giả: "Biển Đông: Cuộc đấu tranh quyền lực ở châu Á;" Gregory Poling thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) và David Denoon của Đại học New York.

Nhiều khía cạnh trong tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông đã được các học giả thảo luận, trong đó có các vấn đề như đường lưỡi bò và luật pháp quốc tế, tác động môi trường và ý nghĩa chiến lược của việc xây các đảo của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trả lời phóng viên TTXVN tại Mỹ, tiến sỹ Anders Corr, Tổng biên tập Tạp chí JPR cho biết: "Chúng tôi đã thảo luận 3 chủ đề chính: đường lưỡi bò và luật pháp quốc tế, tác động môi trường và ý nghĩa chiến lược của việc xây các đảo của Trung Quốc ở Biển Đông. Tôi nghĩ rằng đã có nhiều sự nhất trí, ít nhất trong các học giả tham dự hôm nay rằng, những gì mà Trung Quốc đang làm ở Biển Đông là nghiêm trọng."

Cũng theo ông Anders, các học giả đã bàn về các lựa chọn và cơ hội khác nhau mà các quốc gia tranh chấp cần tận dụng để giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế.

Theo ông Anders, những tham luận tại hội thảo sẽ được biên tập thành cuốn sách về Biển Đông do một nhà xuất bản uy tín tại Mỹ phát hành.

Các học giả tại hội thảo cũng đưa ra một số đề xuất mang tính xây dựng để giải quyết tranh chấp hiện nay. Học giả Benjamin Purser, Đại học Colorado của Mỹ cho rằng để có bước tiến trong giải quyết tranh chấp Biển Đông hiện nay, Tòa án Quốc tế cần đưa ra phán quyết rằng những đảo nhỏ, đảo nhân tạo trên Biển Đông không nên được trao địa vị pháp lý như đặc quyền kinh tế và tài nguyên.

Giáo sư David Denoon, Đại học New York, đã đề cập đến thuyết "phân chia công bằng" mà ông từng công bố trong bài viết năm 1996 đăng trên Tạp chí đàm phán quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông, chính phủ Trung Quốc sẽ không quan tâm đến cách tiếp cận này vì "họ muốn tất cả" khi đề cập đến các tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp giữa Trung Quốc và các nuớc khu vực ở Biển Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục