Học hỏi kinh nghiệm triển khai tiêm chủng HPV trên phạm vi quốc gia

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã triển khai nhiều chiến lược đa dạng trong tiến trình đẩy lùi HPV và giảm gánh nặng ung thư cổ tử cung.
Học hỏi kinh nghiệm triển khai tiêm chủng HPV trên phạm vi quốc gia ảnh 1Ban tổ chức điều hành hội thảo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3) và các hội nghị liên quan tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 24/8, phiên khai mạc Diễn đàn chính sách và hội thảo chuyên gia về HPV và ung thư cổ tử cung đã diễn ra.

Diễn đàn do Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ phối hợp cùng Viện Ung thư Quốc gia Việt Nam, Bệnh viện K tổ chức.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá, sự tham dự đông đảo của các đại biểu từ các nền kinh tế thành viên APEC thể hiện cam kết bền chặt của APEC trong việc tăng cường hợp tác y tế, nhằm mang lại lợi ích cho người dân, đặc biệt là giảm gánh nặng do HPV và ung thu cổ tử cung gây ra.

Ông Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh Diễn đàn đối thoại chính sách là dịp quy tụ các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà khoa học từ 21 nền kinh tế APEC với mục đích tìm ra những giải pháp hiệu quả làm giảm tỷ lệ nhiễm HPV và dự phòng ung thư cổ tử cung tại các nền kinh tế thành viên APEC; đồng thời tăng cường hợp tác giữa các tổ chức quốc tế trong đẩy mạnh dự phòng và kiểm soát ung thư, đặc biệt là ung thư cổ tử cung.

Các đại biểu tham dự diễn đàn tập trung chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận các nội dung liên quan đến vai trò của các chương trình tiêm chủng HPV trong kiểm soát ung thư cổ tử cung; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc đẩy mạnh công tác phòng chống và kiểm soát ung thư tại Việt Nam, đặc biệt là ung thư cổ tử cung.

Diễn đàn Bộ trưởng với nội dung giảm tỷ lệ nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung ở các nền kinh tế, thảo luận về kinh nghiệm các nền kinh tế khác nhau trong việc đưa ra chương trình tiêm chủng vắcxin HPV và thảo luận kế hoạch, mục tiêu trong tương lai về việc giảm tỷ lệ nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung tại các nền kinh tế thành viên APEC, do các quan chức Bộ Y tế Việt Nam, Malaysia, Papua New Guinea trình bày.

Diễn đàn Chính phủ với nội dung giảm tỷ lệ nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung ở các nền kinh tế APEC có sự tham gia của các quan chức Bộ Y tế Indonesia, Cơ quan Sức khỏe và Y tế Canada...

Chương trình của diễn đàn còn có thảo luận của các đại biểu trong vấn đề tìm kiếm cách giảm tỉ lệ nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung ở các nền kinh tế APEC; sử dụng kết quả trong việc đưa ra quyết định hoạch định chính sách; tổng quan và khái niệm về Mạng lưới Dự phòng và chăm sóc ung thư khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tăng cường quan hệ hợp tác giữa các Sở Y tế khu vực về HPV và ung thư cổ tử cung...

[Mỗi ngày có 7 phụ nữ Việt Nam tử vong vì ung thư cổ tử cung]

Theo ông Trần Văn Thuấn, Giám đốc Viện Ung thư Quốc gia, Giám đốc Bệnh viện K, trong những năm gần đây, Việt Nam đã triển khai nhiều chiến lược đa dạng trong tiến trình đẩy lùi HPV và giảm gánh nặng ung thư cổ tử cung.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với các vấn đề về tài chính như giá thành vắcxin HPV còn cao, khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ y tế ở vùng sâu, vùng xa, thiếu phòng thí nghiệm tế bào học và chuyên gia y tế tay nghề cao...

Việt Nam hy vọng thông qua diễn đàn lần này sẽ nhận được những chia sẻ từ lãnh đạo các Bộ Y tế thành viên APEC và các đại biểu về kinh nghiệm, bài học triển khai chương trình tiêm chủng HPV trên phạm vi quốc gia cũng như việc nâng cao năng lực sàng lọc, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.

Hiện nay, mỗi năm trên thế giới có khoảng 520.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung, hơn 260.000 phụ nữ đã tử vong vì bệnh này và 90% những phụ nữ này sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục