Học lập nghiệp miễn phí cùng 1.000 doanh nhân

Với phương châm “góp sức thay vì chờ đợi,” 1.000 doanh nhân trẻ đã lên mạng internet, tham gia lớp học online dạy sinh viên lập nghiệp.
Với phương châm “góp sức thay vì chờ đợi,” 1.000 doanh nhân trẻ trên khắp cả nước đã cùng Cổng tri thức Thánh Gióng (thanhgiong.vn) thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thực hiện dự án “Tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp.”

Sau một năm hoạt động của dự án, hơn 10.000 sinh viên đã tham gia các khóa học miễn phí về khởi nghiệp, trong đó có khoảng 6.000 bạn đã được cấp chứng chỉ.

Bên cạnh các buổi học trực tuyến trên cổng thông tin thanhgiong.vn, thầy và trò còn có những buổi gặp trực tiếp để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc về khởi sự kinh doanh và lập nghiệp cho người học.

Lập kế hoạch, điểm yếu nhất của sinh viên


“Năm năm nữa, em sẽ trở thành một doanh nhân,” Ly, sinh viên Đại học Dân lập Hải Phòng khẳng định chắc nịch khi được hỏi về dự định tương lai của mình tại buổi giao lưu với các giảng viên vừa được tổ chức tại thành phố Hoa phượng đỏ.

Tuy nhiên, khi hỏi em định trở thành doanh nhân trong lĩnh vực nào thì Ly thật sự lúng túng, không trả lời được.

Khác với Ly, cô nữ sinh tên Ngọc chỉ có mong ước giản dị là trở thành một kế toán trưởng, nhưng kế hoạch nào để đạt tới mục tiêu trên, một năm nữa em sẽ làm gì thì em không rõ.

“Không có kế hoạch định hướng tương lai chính là điểm yếu nhất của sinh viên hiện nay. Khi không có kế hoạch từng bước, các bạn sẽ không biết phải làm gì trước,” chị Thái Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Tâm Việt, thành viên tích cực của dự án chia sẻ.

Đây cũng là tâm sự của anh Nguyễn Đình Cường, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Tuấn Cường, Hà Nội.

Với hai bàn tay trắng, để lập được công ty với doanh thu hơn chục tỷ đồng mỗi năm như ngày nay, anh đã phải đi dần từng bước. Ban đầu chỉ là một trung tâm tin học nhỏ. Khi có chút vốn, anh nâng cấp lên thành công ty. “Nuôi” công ty lớn một chút nữa, Đình Cường tiến hành cổ phần hoá doanh nghiệp. Cường bảo, chiến lược này đã được vạch sẵn nên ngay từ đầu, khi đăng ký tên công ty, anh đã đặt là công ty cổ phần. Cái tên ấy cũng là một minh chứng của anh với đối tác về mục đích cổ phần hoá công ty khi anh kêu gọi họ cùng đầu tư với mình.

“Các bạn trẻ không nên nôn nóng và hãy lập kế hoạch cho bản thân theo từng giai đoạn, thực hiện tốt từng giai đoạn nhỏ đó, rồi sẽ đến đích,” anh Cường nói.

Đường đi không rải hoa hồng

Chia sẻ với các bạn trẻ về kinh nghiệm của chính bản thân mình, các doanh nhân không ngần ngại nói về những tháng ngày khởi nghiệp gian nan.

Công việc đầu tiên của Lê Vinh Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Sơn Hà là đi thu mua thùng tôn dùng để đóng những kiện hàng từ nước ngoài gửi về, bán chênh lệch kiếm lời. Còn Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc 8x của Công ty Thiết bị giáo dục và nội thất TVT lại nếm trải những ngày tháng mòn mỏi vì thất nghiệp. Tốt nghiệp ngành sư phạm, vác hồ sơ đi khắp nơi nhưng không xin được việc, Dũng đành chuyển sang đi dạy thêm để trang trải cuộc sống. Nhưng chính những buổi lên lớp không chính thức ấy lại mang đến cho anh ý tưởng sản xuất bảng chống loá, tiền đề cho số vốn 15 tỷ anh đang có trong tay hiện nay.

Trước khi trở thành Giám đốc điều hành của Công ty truyền thông Thương hiệu vàng (Hải Phòng), anh Nguyễn Minh Phương cũng từng thất bại thê thảm với mô hình kinh doanh nhà hàng. “Hồi đó mình trẻ, không có hiểu biết nhiều về lĩnh vực này nhưng vẫn hăm hở lắm,” Minh Phương vui vẻ kể. Và kết quả của một năm “hăm hở” ấy là sự “bốc hơi” của hơn 1 tỷ đồng. Phương phải bán tất cả những gì có thể bán để trả nợ, kể cả chiếc điện thoại di động cũng mang đi cầm cố. Khi ấy, Phương mới 27 tuổi.

Câu chuyện lập thân của giáo sư, tiến sĩ Hà Tôn Vinh, Tổng Giám đốc Tổ hợp giáo dục, đào tạo và tư vấn Stell Management, giảng viên Đại học Hawaii (Mỹ), giảng viên quản lý cao cấp Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Quốc gia Việt Nam cũng ấn tượng không kém. Theo gia đình sang Mỹ, ông phải làm rất nhiều việc, từ dọn vệ sinh trường học đến gác xe để kiếm sống. Lao động vất vả, ông quyết tâm học hành với hinh thức học từ xa, bài tập, bài giảng được gửi qua gửi lại mà không hề biết mặt giảng viên. Với ý chí, anh công nhân dọn vệ sinh ngày nào đã trở thành người giàu nhất Washington trong cộng đồng người Việt.

Tâm sự với sinh viên, giáo sư Hà Tôn Vinh nói: “Những chặng đường khởi nghiệp gian nan của chúng tôi chính là minh chứng cho thấy, cơ hội thành công luôn mở rộng khi bạn biết áp dụng công thức: niềm tin, hành động và ý chí. Đừng quá lo về vốn vì tất cả những người thành công nhất đều bắt đầu từ con số 0. Còn nếu trông chờ vào gia đình, thì đó chỉ là sự thành công dựa dẫm"./.

Phạm Mai (Vietnam)

Tin cùng chuyên mục