Chua chát câu chuyện tập thể người lớn quay lưng lại với một đứa trẻ

Học sinh gãy chân: "Nếu Kiên là con em họ, họ có hành xử vậy không?"

“Một tập thể người lớn lại có thể quay lưng lại với một đứa trẻ thì là điều thật đáng sợ. Cậu bé Kiên sẽ nghĩ gì, cảm thấy thế nào khi biết điều này?”
Học sinh gãy chân: "Nếu Kiên là con em họ, họ có hành xử vậy không?" ảnh 1Trường tiểu học Nam Trung Yên (Nguồn: Vietnam+)

Liên quan đến vụ xe taxi chở hiệu trưởng gây tai nạn, làm gãy chân cháu Trần Chí Kiên tại trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) hồi tháng 12/2016, luật sư Tạ Anh Tuấn - Công ty Luật Vietthink (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội), người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nạn nhân cho biết, hiện nay, gia đình đang đợi kết luận giám định thương tật đối với cháu Trần Chí Kiên.

Đây là căn cứ để gia đình đề nghị khởi tố vụ án.

Có thể khởi tố hình sự

Tuy nhiên, theo ông Tạ Anh Tuấn, ngay cả khi chưa tính đến yếu tố này thì bà Tạ Thị Bích Ngọc và bà Nguyễn Thị Hương (lần lượt là nguyên hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên) vẫn có khả năng phải đối mặt với việc bị khởi tố hình sự vì hành vi phát phiếu khảo sát lấy ý kiến của giáo viên và các em học sinh, nhằm mục đích đối phó, che giấu hành vi vi phạm, khai báo gian dối với các cơ quan chức năng.

[Vụ Trường Nam Trung Yên là hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều nhà giáo] 

Cụ thể, theo luật sư Tạ Anh Tuấn, hành vi nói trên có dấu hiệu của tội “Mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật” (theo Điều 309-Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009), cùng với tình tiết “lợi dụng chức vụ quyền hạn.”

“Điều này là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt. Trong trường hợp bị khởi tố, điều tra về tội danh này, người phạm tội phải chịu mức hình phạt tù cao nhất lên đến 7 năm tù giam,” luật sư Tạ Anh Tuấn cho biết.

[Diễn biến chi tiết vụ taxi chở hiệu trưởng đâm gãy chân học sinh]

Luật sư Tạ Anh Tuấn cho rằng, việc làm của hai cô giáo này đã vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người giáo viên, cần phải lên án và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian qua, cách hành xử của hai cô giáo nguyên là hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên sau sự việc xe taxi chở hai cô gây tai nạn, làm gãy chân em Trần Chí Kiên đã gây rúng động dư luận.

Học sinh gãy chân: "Nếu Kiên là con em họ, họ có hành xử vậy không?" ảnh 2Luật sư Tạ Anh Tuấn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trước đó, vào ngày vào ngày 1/12/2016, xe taxi (BKS 30A-702.54) chở bà Tạ Thị Bích Ngọc và bà Nguyễn Thị Hương đi vào trường Tiểu học Nam Trung Yên. Khi vào đến sân trường, cháu Trần Chí Kiên đang chơi đùa đã chạy về phía đầu xe và bị xe ôtô đâm phải, ngã xuống đất.

Lúc này, lái xe dừng lại, bà Tạ Thị Bích Ngọc đi thẳng vào phòng Hội đồng, bà Nguyễn Thị Hương dìu cháu Kiên lên. Sau đó, bà Hương tiến hành phát phiếu khảo sát về việc không nhìn thấy xe đi trong trường ngày 1/12/2016.

Mặc dù tại thời điểm cháu Trần Chí Kiên bị tai nạn, bà Tạ Thị Bích Ngọc có ngồi trên xe taxi nhưng đã không xác nhận việc này, mặt khác, bà đồng ý với việc phát phiếu khảo sát của bà Nguyễn Thị Hương.

Trong cuộc họp diễn ra vào sáng 20/2, cơ quan chức năng khẳng định bà Ngọc và bà Hương có biểu hiện che giấu sự việc, không trung thực cũng như không hợp tác với cơ quan điều tra. Điều này gây khó khăn cho cơ quan điều tra và vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp người giáo viên.

Sáng 21/2, tại trường tiểu học Nam Trung Yên, đại diện Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội đã công bố quyết định cách chức đối với bà Tạ Thị Bích Ngọc, hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên và hiệu phó Nguyễn Thị Hương trước toàn thể giáo viên trường.


Cả tập thể quay lưng với một cá nhân?

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh việc cách chức hai cán bộ này không phải là kết thúc mà để phục vụ công tác điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra; nếu có vi phạm hình sự sẽ tiếp tục xem xét xử lý; nếu chỉ vi phạm ở mức độ hành chính thì hai cô giáo này cũng không xứng đáng ở vị trí của mình.

[Nguy hại từ sự dối trá trong ngành giáo dục]

Vụ việc tại trường tiểu học Nam Trung Yên tạo dư luận xấu trong xã hội về đạo đức nghề nghiệp và hình ảnh người giáo viên Thủ đô nói riêng, ngành giáo dục Việt Nam nói chung. Từ đây, vấn đề đạo đức nhà giáo một lần nữa được đặt ra, làm nóng các phương tiện truyền thông.

Theo thống kê của VietnamPlus - SocialBeat, trong thời gian từ ngày 16-22/2, có 223 lượt đăng tải thông tin liên quan đến chủ đề đạo đức nhà giáo trên các báo điện tử, trang tin tức, diễn đàn và mạng xã hội Facebook... Những bài viết này thu hút 413 bình luận và 1.886 lượt tương tác.

Số lượt thông tin đăng tải và bình luận về chủ đề đạo đức nhà giáo từ vụ việc tại trường Tiểu học Nam Trung Yên (Nguồn: SocialBeat)

Phần lớn những bài viết, bình luận này tập trung đề cập tới việc cơ quan chức năng cần vào cuộc, quyết liệt chấn chỉnh đạo đức nhà giáo, những ảnh hưởng tâm lý của học sinh khi giáo viên có hành động vi phạm đạo đức nghiêm trọng...

Tiến sỹ Nguyễn Nam (nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ: “Tai nạn là điều đáng tiếc, không ai muốn. Thế nhưng, sự việc đã không đi quá xa như vậy nếu nguyên lãnh đạo trường Tiểu học Nam Trung Yên không có những hành xử như vậy và nếu tập thể giáo viên, cán bộ của nhà trường đã không hèn nhát, im lặng trong suốt một thời gian dài như thế.”

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, ông Nam cho biết: “Tôi thấy nực cười và chua chát trước thông tin, đã có thời điểm 100% giáo viên trường Nam Trung Yên xác nhận không có taxi đi vào sân trường trong thời điểm cháu Kiên bị ngã. Ở góc độ con người, chúng ta có thể thông cảm được phần nào thực tế rằng, những nỗi sợ hãi vô hình sẽ dẫn con người tới những toan tính, để giữ sự yên ổn cho bản thân trước áp lực từ cấp trên của những giáo viên, cán bộ này. Thế nhưng, cả một tập thể người lớn lại có thể quay lưng lại với một đứa trẻ thì là điều thật đáng sợ. Kiên sẽ nghĩ gì, cảm thấy thế nào khi biết điều này?”

“Những con người cần phải là tấm gương đạo đức sáng rõ nhất thì lại cùng góp sức để làm cho những điều giả dối che phủ sự thật. Không chỉ là thầy cô giáo, họ cũng là những bậc làm cha, làm mẹ. Thử hỏi, nếu cháu Kiên là con em họ, họ có hành xử như vậy không? Những nhà giáo còn như thế, bảo sao xã hội ngày càng nhiều tệ nạn,” tiến sỹ Nam cho biết thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục