Học sinh Việt giỏi hơn Mỹ: Bộ GD nói gì?

Bộ Giáo dục nói gì về khảo sát học sinh Việt giỏi hơn Mỹ?

Ở các môn Toán và Khoa học và Đọc hiểu, học sinh Việt Nam đã chứng tỏ trình độ vượt xa học sinh của các nước Anh, Mỹ, Pháp.
Bộ Giáo dục nói gì về khảo sát học sinh Việt giỏi hơn Mỹ? ảnh 1Học sinh Trường PTTH Chuyên Hùng Vương trong giờ thực hành. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trình độ học sinh Việt Nam đã khiến thế giới bất ngờ khi được xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về Toán và thứ 19 về Đọc hiểu. Nhưng theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, học sinh Việt Nam vẫn còn hạn chế về nhiều mặt.

Chiều 4/12, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chính thức công bố với báo giới về kết quả đánh giá chất lượng học sinh quốc tế theo chương trình PISA 2012.

PISA là Chương trình đánh giá học sinh quốc tế do Hiệp hội các nước phát triển (OECD) khởi xướng và chỉ đạo nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá tính hiệu quả - chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia, qua đó rút ra các bài học về chính sách đổi mới giáo dục phổ thông.

Năm 2012, chương trình PISA đã tiến hành khảo sát hơn 510.000 học sinh ở 65 quốc gia và nền kinh tế về khả năng ở các môn Toán học, Đọc hiểu và Khoa học.

Lần đầu tiên tham gia PISA, Việt Nam - nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất so với các nước tham gia, đã đạt được kết quả bất ngờ khi xếp thứ 8 về Khoa học (528 điểm), thứ 17 về Toán (511 điểm) và thứ 19 về Đọc hiểu (508 điểm).

Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ 2, chỉ sau Singapore, trong khu vực Đông Nam Á (có 5 nước tham gia gồm Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia).

Ở môn Toán, Việt Nam cao hơn mức trung bình (494 điểm) và có thứ hạng cao hơn nhiều so với các nước phát triển như Anh (494 điểm, xếp thứ 26), Pháp (495 điểm) và Mỹ (481 điểm, xếp thứ 31)…

PISA hỗ trợ Việt Nam thực hiện việc đánh giá năng lực học sinh; qua đó tìm ra những mặt được, chưa được để đưa ra những chính sách thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện nền giáo dục theo hướng tăng năng lực toàn diện cho học sinh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết, lâu nay, Việt Nam chưa đánh giá khái quát được chất lượng giáo dục ở từng địa phương cũng như trên cả nước. Tham gia PISA giúp Việt Nam học tập kinh nghiệm xác định năng lực, các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực của người học từ đó cải thiện được chất lượng giáo dục toàn diện.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng PISA 2012 mới chỉ đánh giá được năng lực học sinh Việt Nam ở ba lĩnh vực Toán học, Đọc hiểu và Khoa học. Học sinh Việt Nam vẫn còn yếu về năng lực giao tiếp, hợp tác và kỹ năng thích ứng…

Chính vì thế, ngành giáo dục Việt Nam cam kết sẽ phân tích kỹ báo cáo kết quả PISA 2012 để xác định đúng yêu tố ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của học sinh từ đó có chính sách thúc đẩy các yếu tố tích cực, khắc phục các yếu tố tiêu cực để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, trước mắt là giáo dục tiểu học, trung học cơ sở.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các kỹ thuật, phương pháp của PISA vào công tác đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, nhất là đổi mới cách ra đề kiểm tra, đề thi và phương pháp đánh giá chất lượng trên diện rộng.

Việt Nam đã rất nỗ lực tham gia PISA 2012, nghiêm túc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, các nguyên tắc của Hiệp hội các nước phát triển. Việt Nam đang chuẩn bị cho kỳ khảo sát PISA vào năm 2015.

Trước mắt, trong tháng 4/2014 sẽ tổ chức khảo sát thử nghiệm; tháng 5/2015 tổ chức khảo sát chính thức.

Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA thực hiện theo chu kỳ 3 năm một lần (bắt đầu từ năm 2010). Đối tượng đánh giá là học sinh độ tuổi 15, độ tuổi kết thúc giai đoạn giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia.

PISA hướng vào các trọng tâm về chính sách, được thiết kế và áp dụng các phương pháp khoa học cần thiết để giúp chính phủ các nước tham gia rút ra các bài học về chính sách với giáo dục phổ thông./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục