Hội chợ nông nghiệp Paris và truyền thống châu Âu

Không chỉ là địa chỉ nổi tiếng của giới nông nghiệp, Hội chợ nông nghiệp Paris còn là một sự kiện mang đậm nét văn hóa truyền thống.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Paris lần thứ 50 vừa kết thúc ngày 3/3 tại Trung tâm triển lãm Paris nằm ở cửa ô Versailles, thủ đô Paris, Pháp. Diễn ra từ ngày từ ngày 23/2 đến 3/3, hội chợ đã thu hút một lượng lớn khách tham quan là các đối tác, các doanh nghiệp, các chuyên gia nông nghiệp, các nhà kinh tế, đến từ Pháp và nhiều nước châu Âu khác. Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1963, với tên gọi ban đầu là Tuần lễ Nông nghiệp Paris, Hội chợ thường niên này đã nhanh chóng trở thành địa chỉ gặp gỡ nổi tiếng của giới sản xuất, buôn bán trong các ngành nghề phụ trợ cho nông nghiệp trên toàn nước Pháp và quốc tế. Hơn nữa, đây còn là một sự kiện mang đậm nét văn hóa truyền thống của Pháp, châu Âu và các quốc gia được mời. Tại hội chợ, trẻ em không chỉ được nhìn tận mắt hay là chạm tay vào những vật nuôi dễ thương, mà còn được tham gia những gian hàng vui chơi, tìm hiểu về quy trình chăn nuôi, trồng trọt và chế biến các sản phẩm, giúp cho trẻ em, nhất là trẻ thành phố, biết và hiểu hơn về thôn quê nước Pháp.
Hội chợ nông nghiệp Paris và truyền thống châu Âu ảnh 1
Trẻ em chụp ảnh với vật nuôi
Người xem còn được thưởng thức những hương vị đặc biệt của những sản vật đến từ mọi miền của nước Pháp như hàng trăm loại phomát, hàng trăm loại rượu vang cùng với bánh mỳ truyền thống. Hội chợ vừa là nơi trưng bày giới thiệu, vừa là một cuộc thi lớn giữa các sản phẩm nông nghiệp với hơn 1.900 cơ sở chăn nuôi mang đến 2.300 vật nuôi, ít nhất 16.000 mẫu rượu vang và 4.000 thực phẩm tham gia tranh tài. Khu vực triển lãm của các vùng nông nghiệp lớn của nước Pháp còn tái hiện nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống của các địa phương như đánh cá ở biển Bắc của vùng Nord Pas de Calais, môn thể thao dân gian bò tót rượt đuổi của miền Nam… Nông nghiệp là cốt lõi của kinh tế Pháp Đối với chính phủ Pháp, Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Paris là dịp thể hiện với giới làm nông nghiệp và người dân Pháp nói chung tầm nhìn và những dự án của lĩnh vực được cho là hết sức đa dạng và mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn này. Nông nghiệp luôn luôn là một ngành kinh tế quan trọng đối với nước Pháp, như cựu Tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing từng phát biểu vào năm 1977 rằng: "Nông nghiệp phải là dầu mỏ của chúng ta." Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, nông nghiệp trở lại làm ngành kinh tế trọng tâm, với định hướng đóng vai trò cốt lõi của cải cách kinh tế-xã hội, nguồn lực phát triển của cả nước Pháp. Mặc dù là một nước công nghiệp phát triển nhưng Pháp ý thức được rất rõ nhu cầu của thị trường nông sản toàn cầu với 9 tỷ dân trong tương lai, trong đó hiện nay có tới 1 tỷ người vẫn sống trong tình trạng thiếu hụt lương thực. Ngay tại Pháp giá nông sản đã tăng 11,7% trong vòng 1 năm qua, càng làm cho mối quan tâm đến nông nghiệp tăng lên. Bởi vậy, với hy vọng nông nghiệp là lực đẩy cho tăng trưởng sản xuất nói chung, đây là một hướng đi góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức 9,9%. Theo đó, tùy theo từng vùng mà nông nghiệp đóng góp từ 10 đến 30% GDP địa phương, và tỷ lệ này sẽ còn tăng lên.
Hội chợ nông nghiệp Paris và truyền thống châu Âu ảnh 2
Thi giống bò tốt nhất tại Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Paris 2013
Điều đáng lưu ý tại Hội chợ quốc tế này là Pháp và nông nghiệp Pháp là một trong những nòng cốt của kinh tế EU, nhưng sự hiện diện của khối không được đậm nét cho lắm, mà thay vào đó là sự nhấn mạnh những giá trị truyền thống và những điểm mạnh của nông nghiệp Pháp nhiều hơn. Sự có mặt của Marine Le Pen, nữ chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia, một lực lượng chính trị có xu hướng cực hữu, chủ trương bảo vệ những giá trị, quyền lợi của Pháp, phần nào làm đậm thêm tinh thần dân tộc ở hội chợ có danh xưng quốc tế này. Nhìn xa hơn về tương lai, Bộ trưởng Nông, Lâm và Thực phẩm Pháp, Stéphane Le Foll, cho biết: "Nước Pháp phải trở thành quốc gia nông nghiệp sinh học dẫn đầu thế giới; phải sản xuất với ít nhiên liệu, nông dược và phân bón hơn, đồng thời tập trung vào những lợi thế đặc thù của mỗi vùng tự nhiên, đem lại lợi ích nhiều nhất cho nông dân và môi trường."/.
Lê Hà/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục