Hội đồng Bảo an tiếp tục duy trì cấm vận vũ khí đối với Libya

Nghị quyết do Jordan soạn thảo không đáp ứng mong muốn của chính quyền Libya song để ngỏ khả năng cung cấp vũ khí trong các trường hợp đặc biệt cụ thể.
Hội đồng Bảo an tiếp tục duy trì cấm vận vũ khí đối với Libya ảnh 1Binh sỹ thuộc lực lượng Bình minh Libya trong một cuộc giao tranh tại Bir al-Ghanam, Libya ngày 19/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 27/3, toàn bộ 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết thúc đẩy cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Libya nhưng tiếp tục duy trì lệnh cấm vận vũ khí với nước này.

Nghị quyết do Jordan soạn thảo không đáp ứng mong muốn của chính quyền Libya, gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp đặt suốt bốn năm qua, song để ngỏ khả năng cung cấp vũ khí trong các trường hợp đặc biệt cụ thể.

Văn kiện này cũng đề nghị một ủy ban của Hội đồng Bảo an xem xét nhanh chóng các yêu cầu mua vũ khí của Libya; đồng thời nghị quyết cũng gia hạn các biện pháp ngăn chặn việc xuất khẩu dầu trái phép khỏi quốc gia này đến hết tháng 3/2016.

Nghị quyết của Hội đồng Bảo an cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự hiện diện ngày càng gia tăng của các tay súng thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như của các nhóm cực đoan tuyên bố trung thành với IS và các chân rết của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.

Hội đồng Bảo an hối thúc các quốc gia thành viên chống các lực lượng khủng bố bằng "mọi phương tiện." Văn kiện cũng cảnh báo sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên các cá nhân và nhóm ủng hộ các đối tượng cực đoan bạo lực bằng cách viện trợ, tuyển mộ hoặc tuyên truyền thông qua mạng Internet và các phương tiện truyền thông đại chúng.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp viện trợ và hỗ trợ cho Chính phủ Libya cũng như vai trò của Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (AL) và các quốc gia láng giềng trong tiến trình tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Bắc Phi này.

Trong cuộc họp, Hội đồng Bảo an cũng nhất trí gia hạn sứ mệnh của phái bộ chính trị Liên hợp quốc ở Libya (UNSMIL) cho đến tháng Chín nhằm giúp các bên tham chiến tại quốc gia Bắc Phi này đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lực.

Trước đó, ngày 24/3 vừa qua, Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Libya Bernardino Leon đã công bố đề xuất gồm sáu điểm nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực tại Libya bằng cách thiết lập một chính phủ chuyển tiếp điều hành đất nước cho đến khi hiến pháp mới được thông qua và bầu cử được tiến hành.

Theo đề xuất, một chính phủ đoàn kết sẽ do một tổng thống đứng đầu và một hội đồng tổng thống gồm các các nhân vật độc lập, bên cạnh một quốc hội đại diện cho toàn dân Libya và một hội đồng nhà nước tối cao. Ngoài ra, một hội đồng an ninh quốc gia và các hội đồng thành phố có thể được thành lập, và ủy ban soạn thảo hiến pháp hiện tại cũng sẽ là một phần của quá trình chuyển tiếp.

Libya đã rơi vào hỗn loạn sau khi nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi bị lật đổ năm 2011. Hiện hai cơ quan lập pháp và hai chính phủ tồn tại song song kể từ khi thủ đô Tripoli bị lực lượng nổi dậy Fajr Libya (Bình minh Libya) chiếm giữ, khiến chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển về miền Đông làm việc.

Tình trạng xung đột kéo dài giữa các phe phái đối địch tại Libya không chỉ dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng và hơn 120.000 người phải sơ tán, mà còn tạo cơ hội cho phiến quân IS lợi dụng nhằm mở rộng hoạt động và khuếch trương thế lực tại Libya và khu vực.

Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã tổ chức nhiều vòng đối thoại giữa các phe phái đối lập ở Libya. Tuy nhiên, đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp các bên đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục