Hội nghị cấp cao ASEAN: Indonesia kêu gọi các cường quốc ngừng đối đầu

Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh rằng không ai được lợi nếu tình trạng đối đầu còn tiếp diễn. Do đó, cần chấm dứt tình trạng này ngay lập tức.
Hội nghị cấp cao ASEAN: Indonesia kêu gọi các cường quốc ngừng đối đầu ảnh 1Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Nguồn: AFP)

Ngày 27/10, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 16 tổ chức theo hình thức trực tuyến, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) hy vọng rằng đối đầu giữa các cường quốc trong khu vực sẽ chấm dứt nhằm tạo ổn định về an ninh.

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn lời Tổng thống Jokowi cho rằng để xử lý đại dịch COVID-19 hiệu quả hơn, cần có ổn định, an ninh và hòa bình.

Theo ông, các động lực địa chính trị khu vực đang rơi vào một “quỹ đạo tiêu cực” và thế đối đầu giữa các nước lớn tiếp tục là vấn đề lớn nhất, gây khó khăn cho việc đoàn kết và hành động tập thể.

[Hàn Quốc ghi nhận ASEAN ủng hộ nỗ lực hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên]

Người đứng đầu nhà nước Indonesia nhấn mạnh rằng không ai được lợi nếu tình trạng này còn tiếp diễn. Do đó, cần chấm dứt tình trạng này ngay lập tức. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có nỗ lực cụ thể nào nhằm chấm dứt vấn đề này.

Theo ông Jokowi, 10 năm trước, Nguyên tắc Bali đã được nhất trí là “luật chơi” cho các mối quan hệ hữu nghị và cùng có lợi giữa các nước. Ngoài ra, Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) cũng đã được thiết kế nhằm giải quyết các thách thức này.

Theo Tổng thống Jokowi, tất cả các nhà lãnh đạo EAS đều tin tưởng rằng hợp tác thực sự sẽ giúp xây dựng lòng tin và tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau.

Cũng theo nhà lãnh đạo này, các nỗ lực xử lý đại dịch COVID-19 đã có nhiều tiến triển, thể hiện qua việc khoảng 7 tỷ liều vaccine đã được tiêm trong khi số ca mắc COVID-19 mới toàn cầu liên tục giảm từ tháng Tám, mở đường cho kinh tế thế giới phục hồi với mức tăng trưởng dự báo đạt 5,9% trong năm nay.

Tại Hội nghị, Tổng thống Jokowi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế nhằm đưa khu vực và thế giới đi vào ổn định và phát triển thịnh vượng, đồng thời khẳng định rằng việc tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là điều rất cần thiết để biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình và ổn định.

Cuối cùng, Tổng thống Jokowi kêu gọi EAS tăng cường hợp tác, thực hiện các bước đi cụ thể, biến thiếu lòng tin thành lòng tin chiến lược nhằm tạo ra một khu vực an toàn hơn, ổn định hơn và thịnh vượng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục