Hội nghị "Đối tác phương Đông" không đạt đồng thuận về tuyên bố chung

Hội nghị thượng đỉnh Đối tác phương Đông đã kết thúc ngày làm việc đầu tiên mà không đạt đồng thuận về tuyên bố chung cũng như không có bước đột phá nào trong chương trình nghị sự.
Hội nghị "Đối tác phương Đông" không đạt đồng thuận về tuyên bố chung ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: theparliamentmagazine.eu)

Hội nghị thượng đỉnh Đối tác phương Đông lần thứ tư của Liên minh châu Âu (EU) khai mạc tại thủ đô Riga (Latvia) ngày 21/5 đã kết thúc ngày làm việc đầu tiên mà không đạt đồng thuận về tuyên bố chung cũng như không có bước đột phá nào trong chương trình nghị sự.

Đúng như dự kiến, Belarus và Armenia đã từ chối ký vào tuyên bố chung của Hội nghị do không đồng ý với cụm từ "Nga thôn tính Crimea" trong văn kiện.

Theo nguồn tin ngoại giao của hãng TASS (Nga), trong văn kiện ký kết vào ngày kết thúc Hội nghị 22/5, cụm từ trên sẽ vẫn được giữ nguyên, song nêu rõ các quan điểm phản đối của các nước.

Vấn đề trọng tâm của ngày họp thứ nhất là triển vọng thành viên EU của sáu nước Đối tác phương Đông bao gồm Armenia, Azerbaijan, Belarus, Gruzia, Moldova và Ukraine.

Trước thềm Hội nghị, Gruzia và Ukraine đã đưa ra các tuyên bố tự tin về thời hạn được miễn thị thực với EU, song đã phải thất vọng khi Hội nghị nhất trí chưa cấp quy chế miễn thị thực, chưa công nhận "triển vọng châu Âu" của hai nước ở giai đoạn này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker khẳng định Hội nghị lần này không bàn vấn đề thành viên cũng như không nhằm chống lại Nga.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhất trí rằng Đối tác phương Đông không phải là công cụ để mở rộng EU mà chỉ để giúp các nước đối tác xích lại gần hơn với tổ chức này.

Ngoài những bất đồng trên, vấn đề khí đốt được các thành viên Hội nghị đạt đồng thuận, nhất trí xây dựng hành lang khí đốt phía Nam, nối EU với khu vực Caspi vòng tránh lãnh thổ Nga, ủng hộ cho phép Ukraine nhập ngược khí đốt (của Nga) từ Ba Lan, Hungary và Slovakia.

Các thành viên Hội nghị cũng nhất trí xây dựng hệ thống tải điện và tuyến đường ống khí đốt nối liền trong nội khối EU cũng như nối EU với các nước Đối tác phương Đông.

Về kinh tế, EU tuyên bố khởi động Cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Gruzia, Moldova và Ukraine trong khuôn khổ Khu vực thương mại tự do với EU. Quỹ có tham vọng huy động được 2 tỷ euro cho ba nước, còn trong 10 năm tới trị giá quỹ đạt 200 triệu euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục