Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất về bầu cử Quốc hội

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất về bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân tiếp tục diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố.
Trong các ngày 23-24/2, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất nhằm thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các địa phương nhiệm kỳ 2011-2016 tiếp tục diễn ra tại các tỉnh, thành phố.

Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở các địa phương, các đại biểu đã được quán triệt Thông tri của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia công tác bầu cử; nghe phổ biến Kế hoạch của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai công tác bầu cử, đặc biệt là nắm chắc Quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội và ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân; Nghị quyết liên tịch về việc tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi công tác và nơi cư trú của những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân địa phương.

Theo phân bổ, tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIII được bầu ở tỉnh Nam Định là 9 đại biểu, trong đó có 3 đại biểu do Trung ương giới thiệu.

Dự kiến, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII là 15 đại biểu và người tự ứng cử là 1 đại biểu. Sau khi thảo luận, hội nghị đã nhất trí sẽ có 129 đại biểu được giới thiệu và 1 đại biểu tự ứng cử Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. Trong số đó, có 42 đại biểu nữ (chiếm 32,2%), 2 đại biểu tôn giáo (1,5%), 17 đại biểu ngoài Đảng (13,3%), 21 đại biểu trẻ tuổi (16,4%).

Tại Đà Nẵng, dự kiến sẽ giới thiệu 12 đại biểu để bầu 6 đại biểu Quốc hội khóa XIII. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất nhất trí cao về cơ cấu, thành phần và số lượng; đặc biệt về thành phần đa số ý kiến thống nhất tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, văn hóa-nghệ thuật, lao động-thương binh-xã hội, y tế, cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ...

Về số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2011- 2016, dự kiến số lượng đại biểu được giới thiệu là 93, để bầu 50 đại biểu. Đa số ý kiến thống nhất về mặt số lượng và Hội nghị thống nhất đại biểu cần tập trung ở các khối chuyên trách Hội đồng Nhân dân thành phố (đông nhất) giới thiệu 17 người, khối quận, huyện và khối doanh nhân.

Tại Kon Tum, dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIII tham gia ứng cử là 8, trong đó có 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu. Về cơ cấu, dự kiến cán bộ lãnh đạo chủ chốt là 1 đại biểu, đại biểu dân tộc thiểu số là 5, đại biểu nữ là 4, trẻ dưới 40 tuổi là 2, tái cử 1 người. Sau khi thảo luận, xem xét cho ý kiến các đại biểu đã thống nhất đề nghị tăng số lượng đại biểu lên 10 người, xem xét lại thành phần cơ cấu dân tộc trong danh sách, cần đưa thêm đại biểu là người dân tộc Ba Na; tăng thêm đại biểu Quốc hội chuyên trách vào danh sách bầu. Ngoài ra, đối với đại biểu Hội Cựu Chiến binh, cần điều chỉnh, không nhất thiết cứ phải là lãnh đạo của Hội tỉnh mà có thể là ở cơ sở.

Tại Đồng Tháp, số lượng người được giới thiệu ra ứng cử Hội đồng Nhân dân tỉnh là 120 người. Trong đó, khối cơ quan, đơn vị cấp tỉnh giới thiệu 64 người, địa phương giới thiệu 56 người. Theo Công văn của Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, dự kiến tổng số đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh được bầu là 64 người. Đáng chú ý là kỳ bầu cử này sẽ hướng đến tăng số lượng đại biểu trẻ, đại biểu nữ và đại biểu là người ngoài Đảng.

Về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, nhiệm kỳ 2011-2016, theo phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Đồng Tháp sẽ bầu 8 đại biểu; trong đó số đại biểu đang cư trú và làm việc tại địa phương là 5, Trung ương giới thiệu 3 đại biểu.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh dự kiến giới thiệu 16 người ra ứng cử, trong đó có 3 người do Trung ương giới thiệu. Hội nghị đã biểu quyết thông qua cơ cấu, thành phần số lượng ĐBQH làm việc tại tỉnh, trong đó có 1 đại biểu là lãnh đạo chủ chốt, 1 đại biểu chuyên trách và 3 đại biểu thuộc các ngành, doanh nghiệp và các hội đoàn thể tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Vĩnh Tân - Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong các bước Hiệp thương tới cần chọn người tài đức, chú ý chọn những đối tượng trẻ, cán bộ khoa học kỹ thuật, hướng đến việc nâng chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân và đại biểu Quốc hội. Các công tác chuẩn bị bầu cử phải thực hiện dân chủ và có sự giám sát chặt chẽ, cần thực hiện đúng thời gian, đúng luật định để đảm bảo sự thành công cho công tác bầu cử.

Tại Phú Yên, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thống nhất tổng số đại biểu được bầu của tỉnh Phú Yên là 6 đại biểu như dự kiến phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, trong đó 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu và 4 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương.

Hội nghị cũng đã thống nhất với giới thiệu của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên về thành phần, số lượng những cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu gồm 12 người đang cư trú và làm việc tại địa phương ra ứng cử đại biểu Quốc hội; về cơ cấu kết hợp gồm có 1 đại biểu là dân tộc thiểu số, 5 đại biểu phụ nữ, 2 đại biểu dưới 40 tuổi và 1 đại biểu ngoài Đảng. Đối với bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, theo Điều 9 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân thì Phú Yên được bầu 50 đại biểu.

Trên cơ sở đó, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận thống nhất có 58 đơn vị, tổ chức, địa phương giới thiệu 112 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. Về cơ cấu có 25 đại biểu dưới 35 tuổi, 34 đại biểu nữ, 18 đại biểu ngoài Đảng, 4 đại biểu dân tộc thiểu số và 2 đại biểu tôn giáo. Tỷ lệ cơ cấu đều cao hơn so với Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2004-2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục