Hội nghị LHQ về người tị nạn không thảo luận đề xuất tái định cư

Trong văn bản được thông qua ngày 3/8, "thỏa thuận toàn cầu về chia sẻ trách nhiệm” không được nhắc đến, trong khi đó kế hoạch tái định cư 10% người tị nạn lại bị xóa đi.
Hội nghị LHQ về người tị nạn không thảo luận đề xuất tái định cư ảnh 1Người tị nạn Syria ở một khu trại tị nạn. (Nguồn: Getty)

Nhiều nhà hoạt động bảo vệ quyền con người đã lên tiếng chỉ trích việc văn kiện chính thức được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về vấn đề người tị nạn, dự kiến diễn ra vào 19/9 tới tại New York, Mỹ, đã không bao gồm đề xuất của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon như một phần trong nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết với cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất lịch sử kể từ Chiến tranh Thế giới II.

Hồi tháng Năm vừa qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã nêu các đề xuất nhằm giải quyết tình trạng 65 triệu người tị nạn đang trốn chạy khỏi nghèo đói và chiến tranh, trong đó có kế hoạch tái định cư 10% số người tị nạn và một “thỏa thuận toàn cầu về chia sẻ trách nhiệm."

Chủ trương này của ông Ban Ki-moon được cho là sẽ giúp giảm gánh nặng cho các nước đang phát triển phải hứng chịu cuộc khủng hoảng này, tuy nhiên vấp phải sự phản đối của Mỹ, các nước Liên minh châu Âu (EU), Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên, trong văn bản được thông qua ngày 3/8, "thỏa thuận toàn cầu về chia sẻ trách nhiệm” trên lại không được nhắc đến, trong khi đó kế hoạch tái định cư 10% người tị nạn lại bị xóa đi, thay vào đó là đề xuất chung chung khác, thiếu tính cụ thể. Văn bản cũng cho biết có ý định tăng số lượng và quy mô các khoản trợ giúp nhằm giúp người tị nạn được tiếp nhận hoặc tái định cư tại các nước thứ ba.

Thời điểm đàm phán “thỏa thuận toàn cầu về chia sẻ trách nhiệm” thậm chí cũng bị lùi sang đầu năm tới và nhiều khả năng thỏa thuận này chỉ có thể được thông qua vào năm 2018.

Các nhà hoạt động nhân quyền đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng với văn bản trên, cho rằng đây là những tuyên bố chính trị vô nghĩa.

Đại diện Tổ chức Ân xá quốc tế nêu rõ Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về vấn đề người tị nạn là cơ hội lịch sử để tìm ra giải pháp toàn cầu cho cuộc khủng hoảng người tị nạn và các nhà lãnh đạo thế giới đã cố tình trì hoãn cơ hội này bất chấp một thực tế là hàng ngày vẫn có người di cư chết trên biển và sống chật vật trong các trại tị nạn với một tương lai mịt mờ.

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, có rất nhiều quốc gia đang phải hứng chịu làn sóng di cư tồi tệ nhất toàn cầu này.

Thống kê cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Iran, Pakistan, Ethiopia, Jordan, Kenya và Uganda là 8 nước đang phải tiếp nhận tới hơn một nữa số người tị nạn trên toàn thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục