Hội nghị phát triển bền vững trong Công ước Di sản thế giới

Hội nghị quốc tế bàn thảo chính sách lồng ghép phát triển bền vững vào quy trình thực hiện Công ước Di sản thế giới diễn ra ở Ninh Bình.
Hội nghị phát triển bền vững trong Công ước Di sản thế giới ảnh 1Thảm thực vật rừng nguyên sinh cùng hệ sinh thái đất ngập nước phong phú tại di sản thế giới Tràng An. (Nguồn: TTXVN)

Từ ngày 22-24/1, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị quốc tế "Phát triển bền vững trong Công ước di sản thế giới” tại tỉnh Ninh Bình - nơi có Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện UNESCO và các cơ quan tư vấn của UNESCO gồm Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Hội đồng Quốc tế về di tích và di chỉ (ICOMOS), Trung tâm Quốc tế về nghiên cứu bảo tồn và bảo quản các tài sản văn hóa (ICCROM); các chuyên gia, lãnh đạo các Ban Quản lý di sản thế giới, các cán bộ chuyên môn và quản lý trong nước.

Hội nghị nhằm xem xét bàn thảo chính sách trong việc lồng ghép yếu tố phát triển bền vững vào các quy trình thực hiện Công ước Di sản thế giới.

Dự thảo này được xây dựng bởi các chuyên gia quốc tế tại cuộc họp vào tháng 10/2014 tổ chức ở Cottbus (Đức) theo yêu cầu của Ủy ban Di sản thế giới ở kỳ họp lần thứ 36 tại Saint Petersburg (Liên bang Nga) năm 2012.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh sau khi được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới, các Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam ngày càng được đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế biết tới, góp phần quan trọng nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt đã góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch, dịch vụ và sự tăng trưởng kinh tế của các địa phương nơi có di sản, tạo thu nhập và thúc đẩy nền kinh tế cộng đồng phát triển, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng vạn lao động địa phương.

Tại Việt Nam, nhận thức của toàn xã hội đối với vai trò, ý nghĩa, giá trị của Di sản thế giới được nâng lên rõ rệt. Quan hệ hợp tác song phương, đa phương được đẩy mạnh, nhiều Di sản thế giới của Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ đắc lực của UNESCO và các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên nhiều lĩnh vực, nhất là việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các di sản.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận nhiều khía cạnh của phát triển bền vững, bao gồm phát triển kinh tế toàn diện; bền vững môi trường; phát triển xã hội hoà nhập; hòa bình và an ninh; khả năng ứng phó và phục hồi sau thiên tai và biến đổi khí hậu; quyền con người; bình đẳng giới; vấn đề các dân tộc bản địa và cộng đồng địa phương.

Trong quá trình thực hiện Công ước Di sản thế giới, các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam cần quảng bá sự bền vững về môi trường nói chung, được hiểu là sự tương tác có trách nhiệm với môi trường, tránh khai thác cạn kiệt hoặc tàn phá các nguồn lực tự nhiên và đảm bảo chất lượng về môi trường lâu dài, phòng tránh và giảm nhẹ các tác động tiêu cực đến với môi trường.

Đặc biệt là khi các quốc gia tiến hành lập kế hoạch thực hiện dự án trong các lĩnh vực như năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý rác thải trong nội bộ các khu di sản thế giới và các khu vực xung quanh.

Theo ông Giovanni Boccardi, Giám đốc Ban Châu Á Thái Bình Dương của Trung tâm Di sản thế giới thuộc UNESCO, với việc tích hợp phát triển bền vững vào các quy trình của công ước Di sản Thế giới, Công ước sẽ có sự gắn kết hiệu quả hơn với một trong hai mục tiêu bao quát của UNESCO là "Phát triển bền vững và công bằng - Đóng góp cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo" như đã đề ra.

Việc tích hợp tầm nhìn phát triển bền vững vào Công ước Di sản thế giới đã mở ra khả năng hành động với trách nhiệm xã hội cũng như củng cố vai trò và thiết lập các chuẩn mực quốc tế của Công ước, thông qua việc thúc đẩy các mô hình phát triển có tính bền vững cao về văn hóa và môi trường.

Các quốc gia thành viên, các cá nhân, tổ chức, cộng đồng và mạng lưới có liên quan cần có kế hoạch khai thác tiềm năng của các di sản thế giới nói riêng và di sản nói chung nhằm đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục