Hội nghị thượng đỉnh không chính thức EU bàn về thời hậu Brexit

Các nhà lãnh đạo EU sẽ trao đổi ý kiến về sự phát triển của tổ chức này hậu Brexit và những biện pháp có thể thực thi nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng di cư và kinh tế-xã hội.
Hội nghị thượng đỉnh không chính thức EU bàn về thời hậu Brexit ảnh 1Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đến dự hội nghị. (Nguồn: AFP)

Chiều 16/9, các nhà lãnh đạo châu Âu đã tới thủ đô Bratislava của Slovakia tham dự Hội nghị thượng đỉnh không chính thức Liên minh châu Âu (EU) bàn về tương lai của "Lục địa Già" giai đoạn hậu Brexit (nước Anh rời khỏi EU).

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo EU dự kiến trao đổi ý kiến về sự phát triển của tổ chức này hậu Brexit và những biện pháp có thể thực thi nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng di cư và kinh tế-xã hội.

Trước đó, trong một cuộc họp được xem là "trù bị" cho hội nghị tại Bratislava, Tổng thống Pháp François Hollande đã đề xuất 3 ưu tiên hàng đầu để khôi phục EU sau khủng hoảng, gồm bảo vệ các đường biên giới bên ngoài EU thông qua lực lượng biên phòng và kiểm soát bờ biển; tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các nước EU, xây dựng một nền quốc phòng độc lập, tách biệt khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ; tạo xung lực mới cho châu Âu thông qua việc quan tâm hơn đến giới trẻ bằng cách tổ chức chương trình Erasmus (trao đổi tăng cường cấp đại học).

Ngoài ra, Pháp cũng muốn tăng cường quỹ đầu tư EU nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng cần tận dụng kỹ thuật số và các công nghệ mới để thúc đẩy kinh tế, vì châu Âu "vẫn chưa phải là vùng đất có ưu thế cạnh tranh nhất trên thế giới."

Còn quan điểm của Thủ tướng Italy Matteo Renzi là "cần phải chứng tỏ cho thế hệ trẻ rằng châu Âu có nghĩa là hòa bình, là an ninh."

Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz cho rằng thông điệp mà các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU (không có Anh) gửi tới hội nghị này là họ phải thảo luận về mong muốn của họ đối với châu Âu, một châu Âu dựa trên những nguyên tắc của tình đoàn kết hay một châu Âu chia rẽ giữa các quốc gia thành viên về mọi vấn đề.

Đề cập đến vấn đề hố sâu kinh tế ngày càng lớn giữa các quốc gia thành viên EU và nội bộ xã hội, Chủ tịch Schulz cho biết EU đang phát triển một chiến lược chống lại gian lận thuế, bởi EU không chỉ cần giải quyết các vấn đề về chi tiêu mà còn liên quan đến cả nguồn thu. Phát triển thị trường nội địa để tạo thêm sự giàu có và phân phối tốt hơn để chống thất thoát và lậu thuế cũng là một trong những thông điệp của hội nghị ở Bratislava.

Giới quan sát cho rằng tại Hội nghị Thượng đỉnh Bratislava, các lãnh đạo EU sẽ quyết tâm đạt sự đồng thuận về tăng cường an ninh nội khối nhằm chống khủng bố và củng cố an ninh biên giới chung để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư.

Hiện tại, giữa các nước vẫn còn một số bất đồng, thí dụ một số quốc gia muốn EU tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại còn một số khác lại nhấn mạnh vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Để bảo đảm an ninh cho Hội nghị thượng đỉnh EU, Bộ Nội vụ Slovakia cho triển khai vài nghìn cảnh sát, binh sỹ và lính cứu hỏa trong thời gian diễn ra hội nghị.

Bộ Nội vụ Slovakia kêu gọi người dân sống bên ngoài Bratislava không đi vào thủ đô nếu không cần thiết, trong khi người dân thủ đô được khuyến khích nên đi nghỉ dịp cuối tuần này bên ngoài thủ đô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục