Hội nghị triển khai phương hướng nhân sự Ban Chấp hành TW Đảng

Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai Phương hướng công tác nhân sự và Quy trình giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Hội nghị triển khai phương hướng nhân sự Ban Chấp hành TW Đảng ảnh 1Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Sáng 28/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai Phương hướng công tác nhân sự và Quy trình giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Ngô Xuân Lịch; đại diện lãnh đạo các Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, các tập đoàn, tổng công ty lớn trong cả nước.

Thay mặt Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự, ông Tô Huy Rứa trình bày Phương hướng công tác nhân sự và Quy trình giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Phân tích tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động nhiều mặt đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông Tô Huy Rứa nhấn mạnh tình hình đó đòi hỏi Đảng, trước hết là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải thực sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trí tuệ, năng lực và uy tín để tập hợp đoàn kết, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giữ vững độc lập dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội XII đề ra.

Ông Tô Huy Rứa nêu rõ 4 yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, uy tín, đoàn kết; về số lượng, cơ cấu; về tính kế thừa, phát triển; về nội dung, phương pháp giới thiệu, lựa chọn nhân sự.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải thật sự là một tập thể đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới; có cơ cấu, số lượng hợp lý đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, tính kế thừa và phát triển.

Về tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII, Phương hướng công tác nhân sự nhấn mạnh 3 nhóm tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, sự trung thành với Đảng, với dân tộc và nhân dân; về phẩm chất đạo đức cách mạng; về kiến thức, trí tuệ, năng lực, hiệu quả công tác.

Trong đó, Ủy viên Trung ương Đảng phải là những người tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, nhấn mạnh hơn các tiêu chuẩn về sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sự trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của dân tộc; về tầm trí tuệ, tư duy chiến lược, khả năng nắm bắt, đề xuất, giải quyết những vấn đề mới; về đạo đức cách mạng, tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; gắn bó mật thiết với nhân dân; nói đi đôi với làm, quyết liệt trong hành động, dám đương đầu với khó khăn, thử thách; không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực, lợi ích nhóm; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; có ý thức trách nhiệm và khả năng tham gia thảo luận, đóng góp vào các quyết định chung của Ban Chấp hành Trung ương.

Đặc biệt lần này, Phương hướng công tác nhân sự cũng yêu cầu kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII những người có một trong các khuyết điểm về: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán; không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; chịu trách nhiệm chính về nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn; bảo thủ trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức; kê khai tài sản không trung thực, bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính; hoặc có vấn đề chưa rõ về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.

Phương hướng nêu rõ cơ cấu, số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, độ tuổi, quy trình giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ở cấp địa phương và các cơ quan, đơn vị Trung ương...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc chuẩn bị công tác nhân sự Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng là một trong hai nhiệm vụ rất quan trọng.

Cùng với công tác văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp, đã và đang được triển khai tích cực, công tác nhân sự cũng bắt đầu được tiến hành và hết sức chú trọng, bởi đây là vấn đề có tính quyết định.

Lâu nay chúng ta vẫn nói, đường lối nào thì cán bộ ấy, trên cơ sở đường lối, quan điểm, phương hướng nhiệm vụ chính trị mà xem xét nhân sự, ai đáp ứng được yêu cầu thực hiện đường lối ấy thì mới tham gia vào Ban chấp hành Đảng bộ.

Đường lối là cơ sở để quyết định làm công tác nhân sự, nhưng cán bộ làm ra đường lối, chủ trương. Cho nên cán bộ là cái gốc, cán bộ thế nào thì mới có đường lối chủ trương đúng,… nhưng sau khi có đường lối thì cán bộ phải phục tùng đường lối ấy….

Công tác cán bộ nói chung rất quan trọng, nhưng công tác nhân sự của mỗi kỳ Đại hội lại đặc biệt quan trọng, vì phải lựa chọn những người xứng đáng nhất vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của cấp ủy các địa phương, cũng như các bộ, ban, ngành Trung ương.

Chính vì vậy, Trung ương, Bộ Chính trị, Tiểu ban Nhân sự làm rất cẩn thận trong quá trình xây dựng Phương hướng công tác nhân sự và trên cơ sở tổng kết 6 nhiệm kỳ từ Đại hội VI năm 1986 đến nay, đánh giá lần trước đã làm được gì, chưa làm được gì, để lần này rút kinh nghiệm bổ sung. Trong quá trình làm, nếu phát sinh những vấn đề mới, sẽ tiếp tục điều chỉnh.

Tổng Bí thư chỉ rõ giới thiệu là khâu bắt đầu của quy trình nhân sự, có ý nghĩa rất quan trọng, không để đến khâu cuối cùng mà phải lựa chọn cán bộ ngay từ khâu giới thiệu, phải sàng lọc ngay từ đầu, lựa chọn đúng tiêu chuẩn, quy trình, quy định, tạo cơ sở để làm tốt những khâu sau.

Tổng Bí thư yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương phải nghiên cứu sâu sắc, nắm vững và triển khai thật tốt các văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương, nắm chắc các yêu cầu, tiêu chuẩn, quy trình, cách làm, từng bước tiến hành công tác nhân sự. Mỗi tỉnh, thành, ngành có làm tốt thì Trung ương sẽ làm tốt công tác nhân sự, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Trong quá trình triển khai, quán triệt Phương hướng công tác nhân sự và Quy trình giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, cần nhấn mạnh cao độ tinh thần trách nhiệm, nắm vững nguyên tắc.

Tinh thần của những người cộng sản là đặt lợi ích của Đảng, của đất nước lên trên hết, trước hết, không vì cá nhân, lợi ích cục bộ, phải trong sáng, công tâm, khách quan, với mong muốn xây dựng cơ quan lãnh đạo cao nhất ở các cấp và đặc biệt là ở trung ương phải thực sự trong sạch vững mạnh, là một tập thể đoàn kết thống nhất cao, đủ trí tuệ, phẩm chất, năng lực, quan hệ tốt với dân, không tham nhũng tiêu cực, không vướng vào lợi ích nhóm… cố gắng không để lọt vào cơ quan lãnh đạo của Đảng cả ở cấp Trung ương và địa phương, những đối tượng mắc một trong các khuyết điểm đã nêu ở trên. Trong thực tế công tác cán bộ khó nhất là có trong sáng, công tâm hay không? có quán triệt đúng tiêu chuẩn, yêu cầu, nguyên tắc hay không? Nếu không trong sáng thì nhìn tiêu chuẩn sẽ khác, đến khi làm cũng không đúng quy trình, dễ luồn lách để đạt được mục đích, tham vọng cá nhân, bất chấp nguyên tắc, quy chế của Đảng...

Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp phải thực sự là những hạt nhân lãnh đạo, chắc chắn, xứng đáng, nhất là trong tình hình kinh tế - xã hội đất nước gặp nhiều khó khăn, tình hình biển Đông đang có diễn biến phức tạp, đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ mới đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong thời gian vừa qua, nhưng trước mắt còn nhiều khó khăn, thách thức.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, mỗi cấp ủy địa phương, Ban Chấp hành Trung ương phải thực sự là một tập thể đoàn kết, thống nhất, trong sạch vững mạnh, muốn vậy phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, dày công chuẩn bị, làm tốt công tác nhân sự Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Tổng Bí thư lưu ý phải nắm chắc quy trình, phương pháp, cái nào làm trước, cái nào làm sau, nếu chúng ta công tâm, trong sáng, khách quan, nắm chắc yêu cầu, tiêu chuẩn, quy trình, phương pháp, cách làm, phát huy trí tuệ tập thể thì chắc chắn sẽ thành công.

Cùng với việc tổ chức quán triệt, triển khai đến các cấp, các cơ quan, ban, ngành Trung ương và các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để triển khai thật tốt phương hướng công tác nhân sự và quy trình giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục