Hội nghị về biên soạn lịch sử quan hệ Việt Nam-Lào

Sau gần 4 năm, đến nay công tác biên soạn lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào (1930-2007) đã cơ bản hoàn thành khối lượng công việc.
Ngày 25/10, tại Vĩnh Phúc, Ban Tuyên giáoTrung ương phối hợp với Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tổ chức Hội nghị công tác biên soạn lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào (1930-2007).

Phát biểu tại hội nghị, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án biên soạn "Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào" nhấn mạnh trong thời gian qua, các ban biên tập hai nước Việt Nam-Lào đã quy tụ được nhiều nhà khoa học, nhân chứng lịch sử, các chuyên gia đầu ngành nỗ lực nhiên cứu, sưu tầm... để công tác biên soạn lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào nhanh được hoàn thiện, có được những sản phẩm quý giá.

Dự án đã triển khai đúng mục đích và yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào, thể hiện rõ trách nhiệm trước lịch sử, trước hai Đảng và nhân dân hai nước.

Dự án này đã góp phần củng cố tình hữu nghị, tình đoàn kết giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Việt-Lào. Đây cũng sẽ là một nguồn tư liệu, tài liệu phong phú, gây ấn tượng tốt đẹp và giáo dục cho thế thệ trẻ mai sau.

Ông Tô Huy Rứa yêu cầu hai ban chỉ đạo của hai nước Việt-Lào sẽ tiếp tục phát huy để dự án đạt kết quả cao, đặc biệt coi trọng đến chất lượng của mỗi sản phẩm. Muốn vậy, mỗi ban biên tập cần chú ý đến chỉnh lý bản thảo, bổ sung các chi tiết chuẩn xác, phản ánh đúng tầm vóc lịch sử, nhất là làm tốt công tác in ấn, thu tiếng, thu hình và sản phẩm sẽ được phát hành vào cuối năm 2010.

Ông Xamản Vinhakệt, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác tư tưởng, lý luận, văn hóa Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án biên soạn lịch sử quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam cho rằng Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt-Lào có mối quan hệ đặc biệt, những sản phẩm do công tác biên soạn lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào có được trong thời gian tới sẽ là một tài sản quý để lại cho thế hệ trẻ, cho con cháu muôn đời sau.

Sau gần 4 năm thực hiện dự án, đến nay công tác biên soạn lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào (1930-2007) đã cơ bản hoàn thành khối lượng công việc.

Toàn bộ các ban biên tập đã thực hiện xong bản thảo, trong quá trình triển khai đã bám sát đề cương được duyệt, sáng tạo trong nghiên cứu và thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo dự án. Đây là một công việc phức tạp, nội dung rất đa dạng, phong phú và đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các nhân chứng lịch sử... của hai nước Việt Nam-Lào tham gia.

Dự án này bao gồm biên soạn sản phẩm chính hai nước Việt-Lào; biên soạn Văn kiện Đảng, Nhà nước; biên soạn, biên tập Bộ hồi ký quan hệ đặc biệt hai nước; biên soan Biên niên sự kiện; biên tập sách ảnh; biên tập phim tài liệu.

Ngày 26/10, Hội nghị công tác biên soạn lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào sẽ tiếp tục làm việc, thảo luận các nội dung liên quan đến công tác biên soạn lịch sử quan hệ đặc biệt, đề xuất các kiến nghị, quán triệt tinh thần nghiệm thu sản phẩm.../.

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục