Hội thảo phát triển kinh tế Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông-Tây

Ngày 20/3, Ban Kinh tế TƯ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Tỉnh ủy Hà Giang sẽ tổ chức Hội thảo quy mô lớn nhất về "Phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc."
Hội thảo phát triển kinh tế Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông-Tây ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 20/3 tới đây, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Tỉnh ủy Hà Giang sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo có quy mô lớn nhất về “Phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc,” tại tỉnh Hà Giang.

Theo ban tổ chức Hội thảo, chương trình bao gồm ba phiên chuyên đề: Phát triển thương mại biên giới tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội tuyến biên giới đất liền của tỉnh Hà Giang; Chiến lược phát triển kinh tế du lịch Hà Giang trong mối liên kết với các tỉnh trong khu vực Đông Bắc, Tây Bắc và tỉnh Vân Nam-Trung Quốc; Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi giá trị đặc sản và nông-công nghiệp dược liệu Hà Giang.

Bên cạnh các buổi trao đổi chuyên đề, tỉnh Hà Giang sẽ tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm do Sở Công thương, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh triển khai thực hiện.

Dự kiến phiên toàn thể của Hội thảo sẽ do các ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang chủ trì.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Lê Vĩnh Tân cho biết, trong cuộc Hội thảo Phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc, Tây Bắc tổ chức tới đây, ban tổ chức sẽ nghiên cứu đề xuất thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển nông, công nghiệp dược liệu của tỉnh Hà Giang và mở rộng ra các tỉnh xung quanh tạo thành vùng dược liệu quốc gia, trong đó Hà Giang là trung tâm.

“Bên cạnh đó, các tham luận cũng sẽ đưa ra những đề xuất cơ chế để phát triển kinh tế biên mậu trong đó có tính đến phân cấp, giao quyền cho các tỉnh biên giới phía Bắc trong một số lĩnh vực để phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh…,” ông Tân nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục