Hội thảo phòng chống ung thư TP.HCM lần thứ 15

Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu, thuộc 127 đơn vị y tế trong cả nước, 30 công ty dược và trang thiết bị y tế.
Từ ngày 6/12 - 7/12, tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra Hội thảo phòng, chống ung thư Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 15, do Hội Ung thư Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp với Bệnh viện Ung bướu thành phố và Hội Ung thư Việt Nam tổ chức.

Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu, thuộc 127 đơn vị y tế trong cả nước, 30 công ty dược và trang thiết bị y tế, các báo cáo viên đến từ Mỹ, Pháp, Australia và Đài Loan.

Theo báo cáo của tiến sỹ, bác sỹ Phạm Xuân Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Ung thư Thành phố Hồ Chí Minh, có xu hướng gia tăng ung thư tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2006 – 2010, có 31.660 trường hợp ung thư mới xảy ra cho người dân sống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Ở cả 2 giới, mức độ gia tăng ung thư trung bình là 5,4%/năm. Ở nam giới có 5 loại ung thư hàng đầu là phổi, gan, đại - trực tràng, dạ dày và vòm hầu. Ở nữ giới có 5 loại ung thư thường gặp là vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi và tuyến giáp. Nhìn chung có sự gia tăng đáng kể ở các loại ung thư vú, đại - trực tràng và tuyến giáp. Các ung thư hàng đầu ở cả hai giới bắt đầu tăng nhanh từ tuổi 40 trở lên.

Báo cáo của tiến sỹ, bác sỹ Bùi Diệu, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cũng cho thấy, điều không may là phần lớn ung thư được chẩn đoán muộn, ít có cơ may chữa khỏi. Trong khi đó ung thư gan giai đoạn muộn chiếm tỷ lệ cao nhất 87,77%, kế đến là dạ dày – 86,87%, phổi – 84,32%. Ung thư vú và ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn chiếm tỷ lệ thấp (49,48% và 53,98%).

Hội thảo lần này cũng giới thiệu một số kỹ thuật điều trị ung thư mới đem lại kết quả đáng khích lệ như kỹ thuật mổ nội soi thay thực quản có sử dụng ống cuốn dạ dày theo Akiyama trong điều trị ung thư thực quản (Bệnh viện Quân đội 108), kỹ thuật ghép gan trong điều trị ung thư gan, kỹ thuật phối hợp hóa trị đồng thời với xạ trị cho nhiều loại ung thư đầu cổ của các Bệnh viện K và Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo cũng có nhiều báo cáo nghiên cứu đi sâu vào bản chất sinh học phân tử của ung thư như khảo sát biểu hiện của E-cadherin bằng phương pháp hóa mô miễn dịch các trường hợp carcinôm vú (Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh), nghiên cứu các yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) CD 31, CD 34 trong ung thư phổi không tế bào nhỏ, giá trị của Cyfra 21.1 trong chẩn đoán ung thư phổi.

Hai báo cáo của giáo sư Eric L. Krakauer đến từ Đại học Harvard liên quan đến chăm sóc giảm nhẹ làm phong phú thêm cho các phiên hội thảo./.

Minh Ánh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục