Hội thảo Quan hệ Việt-Trung: Thực trạng và những vấn đề đặt ra

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc: Thực trạng và những vấn đề đặt ra.”
Hội thảo Quan hệ Việt-Trung: Thực trạng và những vấn đề đặt ra ảnh 1Lực lượng biên phòng Việt Nam và Trung Quốc tiến hành tuần tra chung biên giới đoạn từ Cột mốc 1223 đến Cột mốc 1222. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, ngày 25/10, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc: Thực trạng và những vấn đề đặt ra.”

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc chủ trì hội thảo.

Đông đảo các nhà khoa học, diễn giả, nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành về quan hệ quốc tế đến từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại, các học viện, trường đại học đã dự hội thảo.

Các tham luận tại Hội thảo đã đề cập nhiều chiều mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, đánh giá thực trạng quan hệ hai nước trên các lĩnh vực và những yếu tố tác động; cơ hội, thách thức và triển vọng hợp tác giữa hai nước.

Năm 1991, trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến động to lớn, Việt Nam-Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ sau hơn một thập kỷ đóng băng.

Kể từ đó đến nay, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã vượt qua nhiều thách thức, phát huy được những cơ sở bền vững từ truyền thống để phát triển mạnh mẽ và toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Quan hệ với Trung Quốc trở thành trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại Việt Nam. Kể từ đó đến nay, lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có các chuyến thăm chính thức và gặp gỡ bên lề hội nghị quốc tế.

Qua các cuộc gặp cấp cao, hai bên luôn nhấn mạnh, tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc là tài sản quý báu của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, cần được hết sức giữ gìn và không ngừng vun đắp; khẳng định sẽ làm hết sức mình để đưa quan hệ đó ngày càng sâu sắc hơn, tin cậy hơn, cùng ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đổi mới, cải cách mở cửa, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước; vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh các chuyến thăm cấp cao, hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các cấp của hai Đảng.

Hai Đảng đã tổ chức 10 cuộc hội thảo khoa học về lý luận, kinh nghiệm xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, về đổi mới, cải cách mở cửa, hội nhập quốc tế. Giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước tiếp tục được duy trì hằng năm.

Quan hệ giữa các ngành như ngoại giao, an ninh, quốc phòng tiếp tục được đẩy mạnh. Quan hệ giữa các địa phương hai nước được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng và thiết thực…

Bên cạnh hòa bình, hữu nghị, hợp tác là dòng chảy chủ lưu trong quan hệ hai nước hơn 25 năm, trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc vẫn tiếp tục tồn tại những hạn chế, thậm chí là những bất đồng khác biệt.

Trên thực tế, hai nước đã cố gắng giải quyết nhưng vẫn chưa có những kết quả thỏa đáng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi những kết quả nghiên cứu, các đánh giá từ góc độ khác nhau về mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc 25 năm qua, nhất là hiện nay trong bối cảnh môi trường chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh của khu vực, quốc tế đang và sẽ có nhiều thay đổi.

Các đại biểu cũng trao đổi những kết quả nghiên cứu, đánh giá từ góc độ quan hệ quốc tế về lợi ích, chính sách của các bên khi thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước; đánh giá về những diễn biến gần đây trên Biển Đông và những nội hàm quan trọng khác trong mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.

Các tham luận tập trung dự báo chiều hướng chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam và sự vận động của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc thời gian tới.

Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đề xuất với Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng những giải pháp cụ thể nhằm xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc nói riêng và tổng thể chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong hiện tại và tương lai theo hướng: Tăng cường hợp tác hiệu quả với Trung Quốc trên các phương diện; quản lý hiệu quả tranh chấp, ngăn ngừa và kiểm soát các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông; hóa giải các thách thức trên hành trình quan hệ hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục