Hối thúc các phe phái đối địch tại Libya tham gia lộ trình hòa bình

Hội nghị bộ trưởng các nước láng giềng Libya lần thứ 7 đã ra tuyên bố chung, trong đó đề nghị các phe phái tại Libya tham gia lộ trình hòa bình và hòa giải.
Hối thúc các phe phái đối địch tại Libya tham gia lộ trình hòa bình ảnh 1Một cuộc tuần hành của người dân Libya tại thủ đô Tripoli, ngày 23/10. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 1/12, tại thủ đô Algiers của Algeria, Hội nghị bộ trưởng các nước láng giềng Libya lần thứ 7 đã thông qua nỗ lực của Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Libya Martin Kobler nhằm giúp các phe phái đối địch tại quốc gia Bắc Phi này chấm dứt xung đột và cùng nhau tham gia vào một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Hội nghị đã ra tuyên bố chung, trong đó đề nghị các phe phái tại Libya tham gia lộ trình hòa bình và hòa giải trước khi thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc nhằm xây dựng một Libya mới. Tuyên bố cũng hối thúc người dân Libya chống khủng bố.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng đặc trách các vấn đề Maghreb, Liên minh châu Phi và Liên đoàn Arab của Algeria Abdelkader Messahel nhấn mạnh: "Các phe phái đối địch tại Libya cần vượt qua bất đồng hay bất cứ tham vọng cá nhân nào vì lợi ích của Libya."

Ông cũng lưu ý những nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc khôi phục hòa bình và ổn định tại Libya, theo đó các cuộc hòa đàm nên có sự hỗ trợ từ chính Libya, các quốc gia láng giềng và cộng đồng quốc tế.

Về phần mình, Đặc phái viên Kobler kêu gọi các phe đối địch tại Libya thúc đẩy lộ trình hòa bình để chấm dứt khủng hoảng, mở đường cho việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, giúp người dân Libya đối mặt với các thách thức trong bối cảnh sự hiện diện của các nhóm khủng bố khiến tình hình an ninh tại đây ngày càng nghiêm trọng.

Trong một diễn biến khác, chính quyền Libya không được quốc tế công nhận ngày 1/12 đã tiến hành cải tổ nội các, với việc giảm một nửa số lượng bộ trưởng từ 24 xuống 12 người, nhưng vẫn giữ nguyên chức vụ thủ tướng của ông Khalifa Ghwail.

Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GNC - cơ quan lập pháp cũ của Libya) đã bỏ phiếu thông qua cải tổ nội các, coi chính phủ này như là một nội các khủng hoảng. Đây là lần thứ 2 chính quyền Libya không được quốc tế công nhận cải tổ nội các.

Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammer Gaddafi năm 2011 và nước này hiện có hai Chính phủ và hai Quốc hội cùng tồn tại song song kể từ tháng 8/2014.

Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã làm trung gian cho một loạt cuộc đối thoại giữa các phe phái đối địch, song các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên nhất trí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục