Hơn 120 mét đê biển Tây ở Cà Mau bị sụp lún nghiêm trọng

Theo ngành chuyên môn, nguyên nhân ban đầu gây nên vụ sụp lún là do tình trạng hạn hán gay gắt, mực nước trong tuyến kênh nội đồng bị khô kiệt, gây áp lực lên thân đê.
Hơn 120 mét đê biển Tây ở Cà Mau bị sụp lún nghiêm trọng ảnh 1Đoạn đê biển Tây bị sụt lún nghiêm trọng. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Vào khoảng 2 giờ ngày 18/2, tuyến đường đê biển Tây (thuộc địa bàn ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã bị sụp lún nghiêm trọng.

Theo ghi nhận của phóng viên, chiều dài của đoạn đê biển Tây bị sụp lún là hơn 120m, điểm bị sụp sâu nhất là trên 2m.

Ngoài ra, hiện có khoảng 300m đê biển có nguy cơ sẽ tiếp tục xảy ra sụp lún.

Theo ngành chuyên môn, nguyên nhân ban đầu gây nên vụ sụp lún là do tình trạng hạn hán gay gắt, mực nước trong tuyến kênh nội đồng bị khô kiệt, gây áp lực lên thân đê dẫn đến tình trạng sụp lún của đoạn đê biển nói trên.

Có mặt kiểm tra tại hiện trường, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau thông tin đợt thiên tai hạn hán năm 2015-2016, tình trạng sụp lún đã diễn ra gây thiệt hại nặng nề. Thế nhưng, mùa khô năm nay dự báo sẽ còn kéo dài hơn, thiệt hại về sụp lún sẽ còn nặng nề hơn, phức tạp hơn.

[Giám định nguyên nhân gây sụt lún tuyến đường hơn 700 tỷ đồng ở Cà Mau]

"Như tại tuyến đê biển Tây, đoạn vừa bị sụp lún thì vị trí công trình dù còn cách bờ kênh nội đồng phía trong khoảng 17-18m nhưng tình trạng sụp lún vẫn diễn ra, đẩy trôi bùn ra vị trí cách con lộ hơn 20m. Đây là hiện tượng rất khó lường," ông Lê Văn Sử đánh giá.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, tỉnh đang chỉ đạo các ngành chuyên môn, các địa phương tích cực khảo sát toàn bộ các kênh rạch, các tuyến trục giao thông có nguy cơ bị ảnh hưởng từ hạn hán, từ đó đưa ra cảnh báo thích hợp.

Cụ thể, những tuyến đường nào bị sụp lún thì lực lượng chức năng cấm phương tiện tải trọng lớn lưu thông hoặc giảm tải để đảm bảo an tính mạng và tài sản người dân, tuy nhiên đây cũng là giải pháp tình thế. Bởi lẽ, tại các vùng ngọt hóa của Cà Mau, người dân đang vào vụ thu hoạch lúa, hoa màu, nhu cầu vận chuyển rất cao. Thế nên, tình trạng sụp lún như thời gian qua sẽ gây ra nhiều tổn thất kinh tế cho người dân.

Thời gian tới, tỉnh Cà Mau kiến nghị với các cơ quan nghiên cứu của Trung ương hỗ trợ tỉnh Cà Mau nghiên cứu các hiện tượng, từ đó tìm giải pháp khắc phục thực trạng này.

Ngay khi vụ sụp lún xảy ra, chính quyền địa phương đã triển khai rào chắn cảnh báo không cho người dân lưu thông, đồng thời báo cáo nhanh đến chủ đầu tư để khảo sát, đánh giá mức độ thiệt hại và khắc phục.

Đường bêtông kiên cố đê biển Tây Cà Mau có chiều dài 14,6km, qua địa bàn hai huyện U Minh và Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau với vốn đầu tư là hơn 150 tỷ đồng.

Tuyến đường được khởi công xây dựng từ năm 2016 và hoàn thành từng phần, từ cuối năm 2016 đến cuối năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục