Hơn 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ bị mắc bệnh sốt xuất huyết

Năm nay, dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp trên diện rộng, trong đó đã có gần 59.000 trường hợp mắc, có 17 trường hợp tử vong.
Hơn 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ bị mắc bệnh sốt xuất huyết ảnh 1Các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định thăm, khám các bệnh nhân bị mắc sốt xuất huyết. (Ảnh Công Luật/TTXVN)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, gia tăng về phạm vi và số lượng người mắc bệnh qua từng năm tại nhiều quốc gia.

Hiện bệnh lưu hành tại 128 quốc gia, hơn 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ bị mắc bệnh, hàng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh.

Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại cuộc họp thông tin tới báo chí về tình hình, các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết diễn ra sáng 16/7, tại Hà Nội.


[Bộ trưởng Bộ Y tế: Khẩn cấp “hạ hỏa” dịch bệnh sốt xuất huyết]

Tại cuộc họp, Cục trường Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu nhấn mạnh, hiện nay, tại khu vực Đông Nam Á, có tới 7 trong số 10 nước có dịch sốt xuất huyết nặng nề. ​Dịch bệnh này là nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp nhập viện và tử vong ở trẻ em. Từ năm 1980 trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng lên gần gấp 5 lần so với 30 năm về trước.

Năm 2017, tỷ lệ số ca mắc bệnh/100.000 dân tại nhiều nước khu vực châu Mỹ và Đông Nam Á ở mức rất cao như: Peru (195/100.000), Nicaragua (199/100.000), Argentina (121/100.000), Brazil (171/100.000), Ecuador (49/100.000), Malaysia (141/100.000), Philippines (33/100.000), Lào (30/100.000), Singapore (20/100.000).

Tại Việt Nam, tình hình bệnh sốt xuất huyết đã giảm trong những năm gần đây, có tỷ lệ mắc trên/100.000 dân là 56,7 - thấp hơn so với một số nước và tỷ lệ tử vong (0,029) thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực.

Năm nay, dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp trên diện rộng, đã có gần 59.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016, số trường hợp nhập viện tăng 9,7%.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng trên, ông Phu chỉ rõ, do mùa Hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến véctơ truyền bệnh phát triển mạnh.

Đặc biệt, tập quán tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua là do sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao.​

Việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt lăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để; nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí.

Thời gian qua, lãnh đạo Bộ Y tế và các đơn vị Trung ương xử phạt 151 trường hợp tại Thành phố Hồ Chí Minh (149 trường hợp) và Hà Nội (02 trường hợp) đã cố tình không xử lý các điểm nguy cơ phát sinh ổ dịch sốt xuất huyết trong khu vực quản lý, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài trong thời gian tới, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ mỗi cộng đồng thực hiện những hành động đơn giản nhưng rất thiết thực và quan trọng để phòng chống dịch như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Người dân hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Để công tác phòng bệnh được hiệu quả, mỗi gia đình cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi có dấu hiệu bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục