Hơn 3.900 con gia súc và nhiều hécta rau màu bị thiệt hại do rét

Trong đợt rét hại kéo dài này, Sơn La là tỉnh có số lượng gia súc chết nhiều nhất với 686 con, Lạng Sơn 571 con, Lào Cai 410 con, Điện Biên 378 con.
Hơn 3.900 con gia súc và nhiều hécta rau màu bị thiệt hại do rét ảnh 1Bê chết tại Sa Pa bởi lạnh do băng tuyết rơi dày. (Ảnh: Quỳnh Trang/TTXVN)

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 11 giờ ngày 27/1, đã có 3.911 con gia súc bị chết do đói, rét tại các tỉnh phía Bắc; trong đó, Sơn La là tỉnh có số lượng gia súc chết nhiều nhất với 686 con, Lạng Sơn 571 con, Lào Cai 410 con, Điện Biên 378 con...

Cục Chăn nuôi khuyến cáo các địa phương cần triển khai ngay các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho đàn gia súc do đói, rét. Theo đó, người chăn nuôi cần chủ động gia cố, che chắn, đảm bảo chuồng trại đủ ấm; dự trữ chất đốt như củi, trấu, mùn cưa để đốt sưởi ấm cho gia súc trong những ngày giá rét.

Bên cạnh đó, bảo quản và dự trữ thức ăn, nhất là rơm, rạ, cỏ khô; mỗi hộ chăn nuôi cần phải có một cây rơm đảm bảo bình quân từ 5-7kg/con/ngày trong những ngày giá rét. Chuẩn bị thức ăn tinh (bột ngô, sắn, cám gạo...) và cho trâu, bò uống nước ấm có pha thêm muối để tăng sức đề kháng. Người chăn nuôi không được chăn thả gia súc trong thời điểm này. Đối với những con gia súc yếu người nuôi cần nấu cháo và cám nóng cho ăn, cho uống nước ấm trong những ngày giá rét. Ngoài ra, người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để có kế hoạch, chống rét cho đàn gia súc đạt hiệu quả cao.

Theo dự báo, thời tiết trong những ngày tới còn diễn biến phức tạp, rét kéo dài thì khả năng chịu đựng của gia súc càng giảm. Các địa phương cần thành lập các tổ công tác xuống cơ sở để đôn đốc, hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật chống rét cho đàn gia súc.

Đối với lĩnh vực trồng trọt , ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, theo báo cáo nhanh đã có khoảng trên 300 ha rau màu, 70 ha cây dược liệu bị băng tuyết phủ kín, nhiều loại cây ăn quả băng tuyết bám vào cành, thân cây làm cho cây bị gẫy đổ. Nếu thống kê đầy đủ sau đợt rét này sẽ có khoảng hàng nghìn hécta rau màu bị thiệt hại. Có thể hàng trăm hécta cây dược liệu và rất nhiều cây ăn quả, thậm chí cây lâm nghiệp bị gẫy đổ do băng tuyết.

Thiệt hại tính đến thời điểm này khoảng 10 tỷ đồng. Nếu thống kê đầy đủ cả đợt rét này có khả năng không thể có thiệt hại dưới 20 tỷ đồng.

Ông Ma Quang Trung khuyến cáo, ở vùng miền núi, bà con cần khẩn trương thu hoạch những loại cây rau màu chuẩn bị hoặc đến thời điểm thu hoạch. Bởi nếu để băng tuyết phủ kín cây trồng sẽ bị héo và dẫn đến hỏng. Đối với những nơi bị băng tuyết ít có thể dùng sào gạt để cho băng tuyết không bám trên cây rau màu, cho lá cây đỡ bị hỏng và tiếp tục chăm sóc cho cây sinh trưởng. Cây ăn quả cũng cần phải gạt, rung cây để băng tuyết rơi xuống.

Đối với vụ Đông Xuân 2015-2016, lúa Xuân sớm đã cấy được khoảng 11.000-13.000ha. Mạ Xuân chính vụ đang khoảng 2-4 lá, mạ Xuân muộn đến tiết lập Xuân mới gieo. Như vậy lúa mới cấy có nơi lúa bắt đầu hồi xanh, có nơi bắt đầu giai đoạn đẻ nhánh. Đối với mạ 2​-4 lá rất dễ bị thiệt hại do rét.

Trước tình hình như vậy, Cục Trồng trọt khuyến cáo bà con, đối với diện tích đã cấy thì phải giữ nước cho ấm chân, nông dân tuyệt đối không được bón đạm. Đối với mạ bà con bón tro bếp, giữ nước và phủ ni lông. Bên cạnh đó, bà con cũng cần chuẩn bị lượng giống ngắn ngày để gieo vào tiết lập Xuân bởi khung thời vụ vẫn còn rộng. Bà con nên tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để phòng chống rét cho mạ cũng như lúa mới cấy.

“Nếu đợt này mạ bị chết, bà con có thể thay thế bằng các giống ngắn ngày. Bà con vẫn còn thời gian làm lại, bởi trà Xuân muộn thời gian còn dài”, ông Ma Quang Trung cho biết.

Theo ông Ma Quang Trung, các vùng núi cao trong 4 năm gần đây đều có băng tuyết, một số loại cây ăn quả, lâm nghiệp, thảo quả bị thiệt lại tương đối lớn. Đối với các loại cây ngắn ngày như rau màu bà con có thể trồng thay thế, nhưng đối với các loại cây dài ngày bị thiệt hại thông thường mỗi khi bị thiệt hại nặng sẽ bị mất một vụ sau đó mất thêm một vụ nữa để cây có quả. Tuy nhiên, cây dài ngày bị thiệt hại nặng trong trường hợp nhiệt độ thấp và kéo dài ít nhất 20-30 ngày. Nếu nhiệt độ thấp dưới 1 tuần cũng chưa đáng lo nhiều./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục