Hơn 46.000 tỷ đồng để giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020

Trong giai đoạn 2016-2020, cả nước đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo bình quân 1-1,5%/năm, riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia.
Hơn 46.000 tỷ đồng để giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 ảnh 1(Nguồn: TTXVN)

Ngày 27/11, tại Hải Phòng, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”.

Tại hội thảo, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Ngô Trường Thi trình bày “Định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 12/11/2015.

Theo đó, định hướng giai đoạn 2016-2020, các địa phương thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của người nghèo.

Mục tiêu cụ thể góp phần giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm. Riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Chương trình thực hiện trên phạm vi cả nước, trong đó ưu tiên các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản điều kiện khó khăn.

Kinh phí thực hiện chương trình từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, tối thiểu là 46.161 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 41.449 tỷ đồng, còn 4.712 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan báo chí cũng tham luận, đóng góp nhiều ý kiến, kinh nghiệm góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông trong công tác giảm nghèo ...

Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Ngô Trường Thi đề nghị các cơ quan truyền thông Trung ương và thành phố phối hợp tuyên truyền định hướng giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 (nghèo đa chiều, điều tra hộ nghèo…); phát hiện, tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các điển hình tiên tiến trong giảm nghèo, phát hiện các sai phạm, phê phán biểu hiện không muốn thoát nghèo; xây dựng các chuyên đề, phóng sự về giảm nghèo…/. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục