Hơn 50% doanh nghiệp FDI muốn bảo hiểm xã hội giúp gỡ khó khăn

Theo kết quả khảo sát mới nhất, có hơn 52% doanh nghiệp mong muốn được gặp trực tiếp cơ quan bảo hiểm để được hướng dẫn trực tiếp về các thủ tục giao dịch điện tử, đóng bảo hiểm, hồ sơ, biểu mẫu…
Hơn 50% doanh nghiệp FDI muốn bảo hiểm xã hội giúp gỡ khó khăn ảnh 1Giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội.(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, hơn 50% doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và cần sự tư vấn trực tiếp của cơ quan bảo hiểm xã hội. Do đó, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ đẩy mạnh tư vấn, giải đáp để gỡ khó cho doanh nghiệp.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tổ chức ngày 16/12.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó thủ tục hành chính

Báo cáo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về ý kiến doanh nghiệp trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam về những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho thấy, cải cách thủ tục hành chính của ngành bảo hiểm xã hội đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các doanh nghiệp.

Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp thấy “thuận lợi hơn” trước những cải cách của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt lần lượt là 65%-55,8% và 51,3% cho thấy các doanh nghiệp FDI đánh giá cao nỗ lực của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi, cắt giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng họ chưa nhận thất thay đổi từ những cải cách thủ tục hành chính chiếm 28,8% đối với bảo hiểm xã hội, 35,1% đối với bảo hiểm y tế và 43,8% đối với bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra vẫn còn tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó với thủ tục hành chính của bảo hiểm xã hội.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng vẫn còn thiếu các văn bản quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật, chính sách hoặc văn bản ban hành muộn.

Các ý kiến khó khăn của doanh nghiệp tập trung nhiều nhất ở thực hiện các quy định và chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc trong Luật Bảo hiểm xã hội như: Quy định về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với lao động là người nước ngoài, lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động 1-3 tháng; quy định về người lao động tự bảo quản sổ bảo hiểm xã hội, quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bao gồm tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác…

52% doanh nghiệp muốn gặp cơ quan bảo hiểm xã hội

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng còn gặp khó khăn khi tiếp cận với những hướng dẫn của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chưa cập nhật và thông tin kịp thời những thay đổi về thủ tục hồ sơ, biểu mẫu. Một doanh nghiệp nêu ví dụ về phần mềm kê khai thay đổi giao diện nhưng không được thông tin trước, form mẫu biểu thay đổi nhưng doanh nghiệp không được thông báo kịp thời…

Đáng lưu ý là tỷ lệ doanh nghiệp đang “chờ” cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết các vướng mắc khá lớn, chiếm 42,7%. Một số doanh nghiệp cho rằng hướng dẫn, giải thích của cán bộ bảo hiểm xã hội chưa rõ ràng, cụ thể, chưa thuyết phục được doanh nghiệp.

Hơn 50% doanh nghiệp FDI muốn bảo hiểm xã hội giúp gỡ khó khăn ảnh 2Doanh nghiệp tìm hiểu giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp FDI cũng đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội tăng cường các chương trình đào tạo, tập huấn về thủ tục hành chính; đẩy nhanh thời gian xử lý và trả kết quả, bố trí thêm cán bộ tại bộ phận 1 cửa, tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên, nâng cao kỹ năng mềm. Đặc biệt, có 52% doanh nghiệp mong muốn được gặp trực tiếp cơ quan bảo hiểm để được hướng dẫn trực tiếp về giao dịch điện tử, hồ sơ, biểu mẫu, thủ tục….

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp FDI trong việc thực hiện chính sách chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, theo Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; thiết lập hệ thống tư vấn, giải đáp chế độ chính sách và ban hành quy trình nghiệp vụ về giao dịch điện tử của tất cả các lĩnh vực thu, sổ thẻ, giải quyết và chi trả các chế độ…

“Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thiết lập hệ thống tư vấn, giải đáp chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp FDI và khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn phương thức giao dịch điện tử và dịch vụ bưu điện công ích khi giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội,” ông Trần Đình Liệu nói./.

Theo Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 9/2016 có 15.579 doanh nghiệp FDI tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tăng 776 doanh nghiệp so với năm 2015, chiếm 7,6% tổng số doan nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. 

Tổng số lao động tham gia trong khu vực FDI là hơn 3,6 triệu người. Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khối doanh nghiệp FDI là hơn 51 tỷ đồng, chiếm 49,4% tổng số thu của khối doanh nghiệp./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục