Hơn 500 đại biểu sẽ dự Hội nghị bàn về hướng phát triển của ĐBSCL

Hơn 500 đại biểu sẽ tham dự Hội nghị của Chính phủ về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, diễn ra tại thành phố Cần Thơ, từ ngày 26-27/9.
Hơn 500 đại biểu sẽ dự Hội nghị bàn về hướng phát triển của ĐBSCL ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hơn 500 đại biểu trong và ngoài nước sẽ tham dự Hội nghị của Chính phủ về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, diễn ra tại thành phố Cần Thơ, từ ngày 26-27/9.

Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 20/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Hội nghị về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long đặt mục tiêu đưa được quyết sách mới có tính hệ thống, đột phá về quan điểm phát triển cho khu vực có gần 20 triệu dân này.

Về lý do tổ chức Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang phải đối mặt với những thách thức mang tính sống còn do mô hình phát triển trước đây không còn phù hợp, chính sách quy hoạch, phân vùng, quản lý thiếu gắn kết, đồng bộ, tổng thể, do xu thế không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, hoạt động sử nguồn nước từ bên ngoài cũng không đáp ứng nhu cầu, điều này dẫn đến sự phát triển thiếu an toàn, bền vững, làm cho sinh kế của gần 20 triệu người dân trở nên bấp bênh.

Trước những yêu cầu cấp bách đặt ra nêu trên, với trách nhiệm và tâm huyết của mình, trong tháng Bảy vừa qua, Thủ tướng đã trao đổi với Chính phủ Hà Lan lựa chọn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang chịu những tác động kép, phức tạp để xây dựng một hình mẫu chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, biến thách thức thành cơ hội.

“Thủ tướng Chính phủ hai nước đã ký bản Ý định thư về hợp tác thúc đẩy và triển khai các dự án chuyển đổi quy mô lớn nhằm mục tiêu phát triển bền vững cho vùng đồng vùng đồng bằng quan trọng này,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Hội nghị nhằm tập hợp trí tuệ, sáng kiến để nhận diện đầy đủ các thách thức, định hướng được mô hình phát triển, huy động được sự tham gia chung tay của cả hệ thống chính trị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, để tìm ra mô hình phát triển bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

[Đối thoại chính sách về an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu]

Hơn 500 đại biểu sẽ dự Hội nghị bàn về hướng phát triển của ĐBSCL ảnh 2Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ tại buổi họp báo. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với Hội nghị là khả thi, thực chất. Phương án, giải pháp phải khả thi, dễ vận dụng, có tính chất kết nối toàn vùng và liên vùng, tránh riêng rẽ, bị động; có biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long ổn định, phát triển.

“Trên cơ sở kết quả của Hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu,” Bộ trưởng thông tin.

Chia sẻ thêm với báo chí, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh quan điểm nhất quán về bảo vệ môi trường trong chuyển đổi mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, đó là không vì phát triển mà đánh đổi môi trường.

“Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có nguồn nước từ hai chiều, nước từ thượng nguồn, có thể có lũ, nhưng đây là nguồn nước dồi dào và có một nguồn nước nữa là từ biển. Nếu ô nhiễm môi trường xảy ra sẽ ảnh hưởng đến cả vùng rộng lớn, vì vậy vấn đề môi trường ở đó phải rất chú trọng.”

“Quan điểm về quản lý tài nguyên là phải tính toán, đánh giá nhận dạng để phát huy được giá trị đất, nước, con người. Không nên dùng nhu cầu, mưu cầu phát triển để khai thác cạn kiệt tài nguyên, cũng như khai thác mà thiếu sự tính toán hài hoà,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Vị Tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường cũng cho biết: “Tiếng nói và sự tham gia của người dân, đại diện cho người dân tại hội nghị này là rất quan trọng.” Thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, tiếng nói của người dân sẽ được ​chuyển tải đầy đủ và cụ thể.

“Tôi mong muốn những quyết sách, kết luận từ Hội nghị này, kể cả quy hoạch Đồng bằng Sông Cửu Long như thế nào tới đây cũng công bố để người dân biết, góp ý và phản biện và chú ý lắng nghe mọi nơi mọi lúc, thông qua nhiều hình thức. Cơ chế phải đảm bảo cung cấp thông tin,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục