Hơn 600 ngôi nhà tại Huế bị tốc mái sau khi bão số 10 đổ bộ

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đến 16 giờ ngày 15/9, toàn tỉnh có một nhà bị sập, 608 nhà bị tốc mái và hư hại do lốc xoáy cục bộ ảnh hưởng của bão.
Hơn 600 ngôi nhà tại Huế bị tốc mái sau khi bão số 10 đổ bộ ảnh 1Nhà người dân Hương Thủy, Thừa Thiên -Huế bị tốc mái. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đến 16 giờ ngày 15/9, toàn tỉnh có một nhà bị sập, 608 nhà bị tốc mái và hư hại do lốc xoáy cục bộ ảnh hưởng của bão số 10.

Thiệt hại nặng nhất là các địa phương như thị xã Hương Thủy 439 nhà (phường Thủy Phương 219 nhà và Thủy Dương 210 nhà); các địa phương thuộc huyện A Lưới 115 nhà và huyện Phong Điền 35 nhà.

Ngay sau các trận lốc, các lực lượng quân đội, công an, biên phòng phối hợp dân quân địa phương và các gia đình tập trung khắc phục bước đầu để dân có chỗ trú tránh mưa bão. Tại xã Phong Chương (huyện Phong Điền), các lực lượng chức năng phối hợp dân địa phương, gia đình khắc phục bước đầu 12 ngôi nhà chính và năm nhà phụ để dân có chỗ trú tránh mưa bão.

Trước tình hình mưa bão đang diễn biến phức tạp, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố Huế và các đơn vị trực thuộc chuẩn bị lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên cùng các phương tiện ôtô, tàu, thuyền, cơ sở vật chất, trang thiết bị trực 24/24 để phòng chống bão lũ; đồng thời phối hợp với lực lượng công an, biên phòng và các sở, ngành trong tỉnh tập trung khắc phục hậu quả bão số 10.

Lực lượng cảnh sát giao thông công an tỉnh tổ chức ứng trực 100% quân số, hướng dẫn người, phương tiện và phân luồng giao thông đảm bảo an toàn, nghiêm cấm người và phương tiện giao thông đi qua các khu vực nguy hiểm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đến tính mạng và tài sản nhân dân khi lũ lụt xảy ra ở diện rộng...

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, do ảnh hưởng của bão số 10, triều cường kết hợp sóng to đánh trùm qua đê, một số đoạn đê biển thuộc xã Hải Hòa, đê kè biển Hải Thịnh, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu bị sạt lở phía trong chân đê.

Tại một số đoạn đê bối bị tràn, gây sạt lở phía trong thân đê như đê biển khu vực Cồn Tròn Tây, xã Hải Hòa, huyện Hải Hậu bị sạt lở với chiều dài 300m. Lực lượng chức năng huyện Hải Hậu và các cơ quan chuyên môn của tỉnh Nam Định đã huy động lực lượng dùng bao đất gia cố những vị trí bị sạt lở.

Cũng tại huyện Hải Hậu, đoạn đê kè biển Hải Thịnh 3 thuộc khu 22, thị trấn Thịnh Long bị sạt lở phía trong thân đê với chiều dài 800m, cấu kiện bêtông xếp ở đỉnh kè bị sóng đánh trải ra mặt đê không đi lại được.

Một số đoạn đê bối ở các xã Xuân Tân và Xuân Thành, huyện Xuân Trường bị tràn cục bộ ở một vài vị trí. Đê bối xã Phương Định, huyện Trực Ninh bị tràn 200m. Các địa phương đang tập trung gia cố các vị trí đê bối bị nước tràn qua để đảm bảo an toàn cho diện tích lúa, hoa màu và tài sản của nhân dân.

[Nhiều địa phương cho học sinh, sinh viên nghỉ học tránh bão]

Cũng Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, vào hồi 9 giờ, ngày 15/9, một thuyền viên trên tàu mang số hiệu KG-9262TS đang đứng bên mạn tàu tại khu vực tránh trú bão ở vị trí cọc phao 14-15, luồng Hải Thịnh, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu đã bị sóng to hất văng xuống biển mất tích.

Người mất tích là anh Chế Văn Giang (sinh năm 1995, trú tại khu 4, phường Vĩnh Long, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang). Đến 16 giờ ngày 15/9, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm thấy người mất tích. Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Hải Thịnh phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Nam Định và nhân dân đang tích cực tìm kiếm nạn nhân.

Do ảnh hưởng của vùng hoàn lưu phía Bắc bão số 10, hầu hết các khu vực trên địa bàn địa bàn Thanh Hóa đã có mưa vừa, mưa to, tổng lượng mưa đo được từ ngày 14/9 đến 14 giờ chiều 15/9 phổ biến ở mức 20mm-80mm; một số nơi có lượng mưa lớn như Xuân Khánh (Thọ Xuân) 81mm...

Theo dự báo, bão số 10 đi vào đất liền gây mưa lớn trên diện rộng ở Thanh Hóa trong các ngày 15-16/9 với mức phổ biến từ 100mm-150 mm, có nơi trên 200 mm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ. Hiện các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương triển khai các biện pháp đối phó với mưa lớn sau bão.

Từ trưa đến chiều 15/9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có gió mạnh kèm theo các cơn mưa lớn. Một số tuyến đường tại thành phố Thanh Hóa như Hải Thượng Lãn Ông, Trường Thi... đã bị ngập nước. Tại thành phố Sầm Sơn, do ảnh hưởng của bão số 10, trưa 15/9, gió mạnh kết hợp với triều cường đã khiến những đợt sóng lớn ập vào bờ khiến con đường ven biển và 1 số tuyến phố cũng ngập trong nước.

Một số đầm nuôi tôm của người dân ven biển các xã Hoằng Thanh, Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa) đã bị mất trắng hoàn toàn do nước biển dâng cao đột ngột, người dân không xoay sở kịp. Nước triều dâng cao đã khiến nước tràn qua đoạn đê biển tại xã Hải Bình (huyện Tĩnh Gia).

Liên quan đến diện tích lúa mùa đã đến kỳ thu hoạch, trong ngày 14 và sáng 15/9, toàn tỉnh Thanh Hóa tập trung lực lượng thu hoạch lúa mùa với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".

Để kịp thời ứng phó với mưa bão, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa huy động các xe tải chở đá hộc bảo vệ bờ kè và tuyến đường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục