"Hong Kong có hệ thống giao thông công cộng tốt nhất"

Theo một nghiên cứu tiến hành với 84 thành phố trên toàn cầu, Hong Kong là thành phố phát triển hệ thống giao thông tiên tiến nhất thế giới.
"Hong Kong có hệ thống giao thông công cộng tốt nhất" ảnh 1Tàu điện ngầm là một trong những phương tiện giao thông công cộng thuận tiện nhất ở Hong Kong. (Ảnh: Đức Nam/Vietnam+)

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng bản tiếng Anh dẫn một nghiên cứu gần đây cho biết, Hong Kong (Trung Quốc) là thành phố du lịch có hệ thống giao thông công cộng tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, mật độ tuyến đường dành cho xe đạp và chất lượng không khí là những vấn đề còn tồn tại ở thành phố này.

Nghiên cứu do Công ty tư vấn quốc tế Arthur D Little tiến hành với 84 thành phố trên toàn cầu đã chỉ ra rằng Hong Kong là thành phố phát triển hệ thống giao thông tiên tiến nhất thế giới. Người dân ở thành phố này lựa chọn phương tiện công cộng như là một loại hình giao thông chính.

Đây cũng là một trong những thành phố có tỷ lệ đăng ký phương tiện giao thông trên đầu người thấp nhất thế giới. Theo kết quả nghiên cứu năm 2011, Hong Kong có tỷ lệ đăng ký phương tiện giao thông trên đầu người là 58,2/100, thấp thứ hai thế giới và chỉ đứng sau Stockholm của Thụy Điển với tỷ lệ 54,7/100.

Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Amsterdam, Copenhagen, Vienna và Singapore. Trong khi đó, London đứng ở vị trí thứ 9, Tokyo xếp thứ 19 và Bắc Kinh xếp thứ 28.

Báo cáo về Chỉ số Di chuyển Nội đô trong nghiên cứu trên cho biết hệ thống tàu điện ngầm (MTR) của Hong Kong đã “gây được ấn tượng sâu sắc.” Ngoài ra, lượng lớn người sử dụng thẻ Octopus (một loại thẻ thanh toán được sử dụng rộng rãi ở Hong Kong dùng để đi lại trên các phương tiện công cộng) đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo vị trí hàng đầu của thành phố này về mức độ thuận tiện của các phương tiện giao thông.

Báo cáo cho biết: “MTR đã biến mật độ dân cư đông đúc ở Hong Kong thành một cơ hội hơn là thách thức.” Theo báo cáo, Hong Kong là một ví dụ điển hình trong việc thiết lập hệ thống phương tiện công cộng tối ưu.

Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý việc đi lại trong thành phố đang bị định hình bởi “một loại phương tiện chủ đạo” - tàu điện ngầm.

Mặc dù có nhiều chỉ số giao thông đứng đầu thế giới nhưng Hong Kong lại rơi vào tốp 11 thành phố có tuyến đường dành cho xe đạp ngắn nhất. Theo số liệu, Hong Kong chỉ có 187km đường xe đạp trên tổng số diện tích khoảng 1.000km2, trong khi ở Stockholm là 4.041km, Amsterdam là 3.502km và Singapore là 208km.

Tuy nhiên, ông Martin Turner, Chủ tịch Liên minh Xe đạp Hong Kong, cho biết đặc khu này có tiềm năng lớn để trở thành một thành phố thân thiện về xe đạp. Theo ông Turner, vì sự phát triển đô thị, chính quyền nên chấm dứt cách nhìn xe đạp là một phương tiện giải trí.

Mới đây, chính quyền thành phố đã đưa ra sáng kiến cải thiện và xây dựng các tuyến đường dành cho xe đạp ở Khu Tân Giới. Ông Martin Turner cho biết thêm, chính quyền cần nỗ lực hơn nữa để mở rộng mạng lưới tuyến đường xe đạp sang các khu vực khác. “Chúng ta không thể để Hong Kong mất vị trí xếp hạng với lý do thiếu những tuyến đường xe đạp.”

Bên cạnh đó, các chỉ số về chất lượng không khí cũng là một vấn đề nan giải đối với Đặc khu hành chính này. Trung bình hàng năm, khí thải NO2 (Nitrogen dioxide - một loại khí độc có hại cho sức khỏe con người) từ các phương tiện giao thông ở Hong Kong xoay quanh mức 50mcg/m3. Chính quyền thành phố cho biết mức độ khí NO2 đã tăng 1/4 kể từ năm 2006.

Bà Chau Yuet-cheung thuộc tổ chức bảo vệ môi trường “Bạn của Trái đất” cho biết chất lượng không khí nghèo nàn có thể bị cho là sự quy hoạch kém cỏi ở Hong Kong. Theo bà, các phương tiện giao thông, vốn được điều phối bởi hệ thống tín hiệu đèn, nhưng cũng vì thế mà thải ra càng nhiều khí độc sau mỗi lần dừng đỗ.

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, bà Chau Yuet-cheung kiến nghị chính quyền thành phố nên cân nhắc việc thu lệ phí cầu đường đối với các khu vực dân cư đông đúc, đồng thời cấm ôtô đi lại ở một số quận nhất định.

Theo kết quả nghiên cứu, 38% người dân Hong Kong sử dụng các phương tiện không gây ra khí thải độc hại như xe đạp và đi bộ. Cơ quan giao thông của thành phố cam kết sẽ cố gắng cải thiện môi trường xe đạp thân thiện ở các vùng nông thôn, thị trấn mới và những khu vực phát triển, đồng thời tiến hành đánh giá toàn diện về chính sách xe đạp của thành phố.

Trong khi đó, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hong Kong đang tiến hành các biện pháp để giảm thiểu mức độ ô nhiễm bằng việc rút dần giấy phép của khoảng 82.000 phương tiện vận chuyển thương mại.

Ngoài ra, cơ quan này còn hỗ trợ các công ty xe buýt trong việc thử nghiệm loại xe chạy bằng xăng và điện cũng như các loại phương tiện thân thiện khác nhằm kiểm soát lượng khí thải. Cơ quan này cũng có kế hoạch làm việc với chính quyền tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc để giảm thiểu khí thải trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục