Hong Kong có mức bức xạ nền cao gấp 3-4 lần Tokyo

Theo kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học, Đặc khu Hành chính Hong Kong, Trung Quốc, có mức độ bức xạ nền cao hơn thủ đô Tokyo, Nhật Bản. 
Hong Kong có mức bức xạ nền cao gấp 3-4 lần Tokyo ảnh 1Bêtông được sử dụng trong các tòa nhà tại Hong Kong là nguyên nhân khiến mức bức xạ tại đây tăng cao. (Nguồn: wikipedia.org)

Theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (Hong Kong) bản tiếng Anh, Đặc khu Hành chính Hong Kong của Trung Quốc có mức độ bức xạ nền cao hơn so với thủ đô Tokyo của Nhật Bản.

Kết luận này được đưa ra bởi một nhóm “nhà khoa học công dân,” những người hy vọng xoa dịu lo ngại rằng khách du lịch tới Nhật Bản đang phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ lớn hơn.

Tổ chức phi lợi nhuận Safecast đã và đang thu thập dữ liệu về các mức độ phóng xạ ở Nhật Bản kể từ sau khi xảy ra thảm họa động đất và sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011. Tổ chức này được thành lập sau khi những người sáng lập cảm thấy dữ liệu phóng xạ do Chính phủ Nhật Bản cung cấp vẫn chưa thỏa đáng.

Họ đã đến Hong Kong vài lần, ngồi trong xe ôtô đi quanh thành phố với những chiếc máy đếm Geiger để đo mức độ phóng xạ ở một số khu vực ô nhiễm nặng nhất trong thành phố.

Ông Pieter Franken, một chuyên gia khoa học máy tính và là nhà giám sát phóng xạ tình nguyện tại Tokyo, đồng thời là người đồng sáng lập Safecast, cho biết tổ chức này đã phát hiện rằng mức độ bức xạ nền của Hong Kong vào khoảng 100 điểm một phút, cao hơn so với ở Toyo từ 3-4 lần.

Theo ông Franken, “nhiều khả năng đá granite được sử dụng trong hoạt động xây dựng là nguyên nhân khiến độ bức xạ nền ở Hong Kong" tăng cao như vậy. Ông Franken nói rằng, tại Hong Kong, ngay cả trong một căn phòng khách sạn ở trên tầng 15, mức độ phóng xạ vẫn cao hơn hầu hết mức độ phóng xạ ở các thành phố châu Á khác.

Trong khi đó, Đài Thiên văn Hong Kong nói rằng dựa vào những số liệu đo đạc riêng của họ, mức độ bức xạ nền ở thành phố này không có nguy cơ gây hại cho sức khỏe của con người.

Công trình nghiên cứu do Đài Thiên văn Hong Kong và Đại học Tự nhiên Hong Kong tiến hành vào cuối những năm 1990 đã phát hiện ra rằng bêtông được sử dụng trong thành phố có chứa các nguyên tố phóng xạ, có lẽ là từ đá granite được sử dụng như thành phần kết hợp.

Đá granite chứa các khoáng chất với những lượng rất nhỏ uranium, thorium và radium, khiến cho loại đá này phát ra bức xạ gamma. Có ba loại bức xạ là alpha, beta và gamma. Những tia bức xạ alpha chỉ gây hại khi các hạt được hít hoặc nuốt vào trong cơ thể người, bởi vì da người có thể ngăn cản sự bức xạ. Tuy nhiên, các tia beta có thể xâm nhập qua da và các tia gamma có thể đi xuyên qua cơ thể người.

Một số “hư hại” do bức xạ có thể được cơ thể người “sửa chữa,” nhưng nếu cơ thể người tiếp nhận 1.000 milixivớt (mSv) bức xạ trong vòng một giờ thì sẽ gặp phải các chứng bệnh do nhiễm xạ. Một người phải tiếp nhận khoảng 10.000 mSv thì người đó sẽ tử vong trong vòng khoảng một tuần.

Tuy nhiên, tin tốt lành là số liệu do tổ chức Safecast đo được cho thấy lượng bức xạ nền hàng năm của Hong Kong chỉ vào khoảng 2,4 mSv, tương đương với mức trung bình toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục