Hợp nhất để xây dựng một hệ thống quy hoạch chính thống

Việt Nam có rất nhiều hệ thống quy hoạch song song tồn tại và có tính ngang bằng pháp lý, do vậy, việc hợp nhất vào một hệ thống quy hoạch chính thống là phù hợp với xu thế tất yếu.
Hợp nhất để xây dựng một hệ thống quy hoạch chính thống ảnh 1Khách tham quan mô hình quy hoạch bất động sản tại Hà Nội. Ảnh minh họa. (Nguồn: Hoàng Lâm/TTXVN)

"Hợp nhất để xây dựng một hệ thống quy hoạch chính thống" là một trong những nội dung được thảo luận tại hội thảo quốc tế lần thứ 2 hướng tới quy hoạch đô thị toàn diện về kinh tế-xã hội, sử dụng đất xây dựng giao thông và môi trường, do Viện Quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) phối hợp với Đại học Tokyo, Viện nghiên cứu Nikkensekkei (Nhật Bản) tổ chức ngày 17/3 tại Hà Nội.

Hội thảo còn tập trung bàn về triển vọng của mô hình tính toán kinh tế đô thị.

Nhìn chung hiện nay, hầu hết các nước đều có 2 bộ Luật khung chi phối các hoạt động quy hoạch là Luật quy hoạch đô thị và nông thôn; và Luật quy hoạch không gian tổng thể quốc gia chi phối các cấp độ quy hoạch từ quốc gia vùng cho đến địa phương.

Trong hệ thống quy hoạch chính thống thì quy hoạch vật thể và quy hoạch phát triển tại một số quốc gia được lồng ghép như Đức, Nhật, Hàn Quốc hoặc có thể tách rời như tại Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia...

Với bối cảnh thực tế là Thủ đô, các chuyên gia đến từ Bộ Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường đã tập trung giới thiệu về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng thành phố của Hà Nội giai đoạn năm 2030-2050.

Kinh nghiệm về quy hoạch hợp nhất về sử dụng đất-giao thông và môi trường, mô hình kinh tế đô thị cũng được các giáo sư đến từ Đại học Tokyo chia sẻ. Đáng chú ý là Chương trình nghiên cứu NKU-CUE- phân tích các chính sách phát triển đô thị bằng mô hình CUE ở Nhật Bản và triển vọng áp dụng tại Việt Nam.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cho biết, hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 là một trong ba quy hoạch chủ đạo trong hệ thống quy hoạch thành phố Hà Nội.

Quy hoạch tổng thể này bao gồm quy hoạch xây dựng chung và quy hoạch sử dụng đất, trong đó lại tiếp tục chia nhỏ thành các quy hoạch như chung thị trấn, phân khu, kinh tế xã hội cấp huyện, ngành-lĩnh vực, sử dụng đất cấp quận-huyện.

Theo tiến sỹ Nguyễn Trúc Anh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô, quy hoạch xây dựng tại Việt Nam là quy hoạch vật thể. Đây cũng chính là công cụ kiểm soát duy nhất có tính pháp lý mạnh để triển khai các dự án xây dựng và đầu tư.

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều hệ thống quy hoạch song song tồn tại và có tính ngang bằng pháp lý, kể cả quy hoạch tổng thể xã hội, quy hoạch sử dụng đất hay các quy hoạch ngành… Do vậy, việc hợp nhất một số loại quy hoạch vào một hệ thống quy hoạch chính thống nên được tính toán để phù hợp với xu thế tất yếu.

Tại một số nước, Bộ Xây dựng được giao chủ trì công tác này với tên gọi chung là quy hoạch tổng thể không gian đủ cấp độ từ quốc gia xuống đến địa phương.

Hiện, Việt Nam chưa có các phân vùng theo ranh giới cụ thể và chính thống, gây khó khăn cho việc triển khai các quy hoạch và làm định hướng. Bởi vậy, cần thống nhất các phân vùng theo nghiên cứu quy hoạch tổng thể phát triển không gian quốc gia, lấy đó làm cơ sở để triển khai các loại quy hoạch và dự án phát triển sau này, ông Trúc Anh nhận xét./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục