HSBC: Chuyên gia nước ngoài thu nhập 103.000 USD mỗi năm tại Việt Nam

35% chuyên gia nước ngoài cho rằng làm việc tại Việt Nam giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn so với tại quê nhà với 103.000 USD/năm, cao hơn mức trung bình của toàn cầu.
HSBC: Chuyên gia nước ngoài thu nhập 103.000 USD mỗi năm tại Việt Nam ảnh 1Giao dịch tại HSBC. (Nguồn: HSBC)

Ngày 26/9, Ngân hàng HSBC tại Việt Nam công bố báo cáo thuộc chuỗi khảo sát về chuyên gia nước ngoài được thực hiện hằng năm.

Bảng xếp hạng năm nay cũng ghi nhận vị trí thứ 19 của Việt Nam so với vị trí thứ 25 trong cuộc khảo sát được thực hiện năm trước. Nếu chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á với 6 nước được xếp hạng (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), Việt Nam giữ vị trí thứ 2 (chỉ sau Singapore).

Theo báo cáo, khoảng 35% chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam cho rằng đây là thị trường lý tưởng để phát triển sự nghiệp. Ba lý do phổ biến nhất thúc đẩy các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam là để tìm kiếm thách thức mới (46%), đi theo điều chuyển của nhà tuyển dụng (26%) và muốn cải thiện chất lượng sống (24%).

Đề cập đến thu nhập, có hơn 1/3 (35%) cho rằng làm việc tại Việt Nam giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn so với tại quê nhà. Cụ thể, thu nhập trung bình của các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam là 103.000 USD/năm, cao hơn mức trung bình của toàn cầu. Trong phạm vi các nước ASEAN tham gia khảo sát, mức thu nhập này chỉ thấp hơn Singapore khoảng 25% và gần bằng Malaysia (104.000 USD). Đáng chú ý là số lượng chuyên gia nước ngoài có thu nhập hơn 200.000 USD/năm chiếm 14%.

Theo các chuyên gia nước ngoài, Thụy Điển là một môi trường tuyệt vời dành cho gia đình của họ. Gần 3/4 (75%) số chuyên gia nước ngoài hiện có con cái và đang làm việc tại đây đánh giá rằng con cái của họ có chất lượng sống tốt hơn tại quê nhà. Gần một nửa (46%) nhấn mạnh rằng chất lượng giáo dục tại Thụy Điển tốt hơn và 72% nói rằng chi phí cho giáo dục rẻ hơn. Một tỷ lệ tương đương (75%) tin rằng điều kiện chăm sóc con cái tại Thụy Điển tốt hơn tại đất nước của họ.

Trong khi đó, Việt Nam tạo ấn tượng tốt đối với các chuyên gia nước ngoài nhờ vào các lợi thế về kinh tế. Gần 3/4 (72%) các chuyên gia nước ngoài tại đây cảm thấy tự tin về nền kinh tế và 62% đánh giá cao sự ổn định chính trị của Việt Nam (tỷ lệ cao thứ hai trong ASEAN, sau Singapore lần lượt là 73% và 89%). Việt Nam cũng tạo ra nhiều cơ hội tiết kiệm với gần 3/4 (73%) số người được khảo sát cho biết họ đã tiết kiệm được nhiều hơn và gia tăng thu nhập khả dụng kể từ lúc chuyển tới đây.

Tuy nhiên, 59% cho rằng việc quản lý tiền bạc tại Việt Nam còn phức tạp và hạn chế. Hơn 1/3 (34%) số chuyên gia nói rằng họ gặp nhiều khó khăn trong quản lý tài chính, cụ thể về các vấn đề như tài khoản ngân hàng, bảo hiểm và đóng thuế.

Khi đề cập đến trải nghiệm, mặc dù các chuyên gia nước ngoài khá yêu thích đời sống xã hội và các hoạt động văn hóa tại Việt Nam, nhưng một tỷ lệ cao trong số họ (78%) bày tỏ lo ngại về các vấn đề môi trường. Đối với những người đang làm cha mẹ, có đến 80% tin tưởng rằng con cái họ đang tận hưởng chất lượng sống tương đương (hoặc tốt hơn) nhưng cùng tỷ lệ này lại nói rằng chi phí giáo dục đắt đỏ hơn so với tại đất nước của họ.

Ông Sabbir Ahmed, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản, HSBC Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á, vì vậy, không có gì là bất ngờ về việc đất nước này trở thành một điểm đến hứa hẹn cho nhiều chuyên gia nước ngoài đang tìm kiếm cả cơ hội và thách thức để phát triển sự nghiệp của họ.

Tuy nhiên, theo ông Sabbir Ahmed, bên cạnh những thế mạnh về kinh tế, Việt Nam cần tập trung hơn vào cải thiện môi trường, các chương trình giáo dục và các dịch vụ tài chính để nâng cao trải nghiệm cho các chuyên gia nước ngoài và gia đình của họ.

"Về mặt tài chính, tôi tin rằng sự kết nối quốc tế, sự đầu tư đáng kể vào các nền tảng trực tuyến và những nỗ lực không ngừng để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng mà một số ngân hàng trên thị trường đang triển khai gần đây chính là một hướng tiếp cận đúng đắn có thể làm hài lòng phân khúc khách hàng đặc biệt này,” ông Sabbir Ahmed nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, báo cáo khảo sát cũng cho biết, lần thứ hai liên tiếp, Singapore dẫn đầu bảng xếp hạng 45 quốc gia trong cuộc khảo sát Chuyên gia nước ngoài của HSBC. Các chuyên gia nước ngoài tại đảo quốc này gặt hái những kết quả xứng đáng về mặt tài chính và được tạo cơ hội tuyệt vời để phát triển sự nghiệp, đồng thời tận hưởng một cuộc sống chất lượng và môi trường thân thiện, an toàn cho gia đình của họ.

Cứ năm chuyên gia nước ngoài tại Singapore thì hơn 3 người (62%) nói rằng đảo quốc này là một nơi thuận lợi để phát triển sự nghiệp và 62% công nhận rằng thu nhập của họ tăng lên kể từ lúc họ chuyển đến làm việc tại đây (tỷ lệ tương ứng của toàn cầu là 43% và 42%). Thu nhập trung bình của chuyên gia nước ngoài tại Singapore là 139.000 USD/năm (so với thu nhập trung bình toàn cầu là 97.000 USD/năm), trong đó gần một phần năm (23%) số người tham gia khảo sát cho biết họ kiếm được hơn 200.000 USD/năm (cao hơn gấp đôi tỷ lệ 11% của toàn cầu).

Ngoài ra, Thụy Sĩ dẫn đầu bảng xếp hạng về kinh tế năm thứ hai liên tiếp, tiếp tục không có đối thủ trong việc mang đến cho các chuyên gia nước ngoài sự hài lòng về tài chính và sự yên tâm về nền kinh tế vững mạnh. New Zealand giữ vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng về tiêu chí trải nghiệm./.

Khảo sát Chuyên gia nước ngoài của HSBC hiện là một trong những cuộc khảo sát về chuyên gia nước ngoài có bề dày lịch sử và quy mô lớn nhất. Bước sang năm thứ chín, cuộc khảo sát đã thu hút 26.871 người chia sẻ quan điểm của họ về cuộc sống ở nước ngoài xoay quanh các câu hỏi về sự nghiệp, sự an tâm về tài chính, chất lượng sống và điều kiện nuôi dạy con cái.

Năm 2016, Khảo sát xếp hạng 45 nước có chuyên gia nước ngoài sinh sống và làm việc. Báo cáo năm nay thu hút 26.871 chuyên gia nước ngoài tại 190 nước chia sẻ quan điểm của họ về sự nghiệp, sự an tâm về tài chính, chất lượng sống và điều kiện nuôi dạy con cái tại quốc gia họ đang sinh sống và làm việc.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục