Huế đón Tết Quý Tỵ với diện mạo mới khang trang

Thành phố Huế bước sang năm mới với sự chuyển biến mạnh mẽ trong diện mạo một đô thị hiện đại, một thành phố Festival của Việt Nam.
Năm mới Quý Tỵ 2013 đang cận kề, thành phố Huế như càng trở nên rực rỡ hơn với tràn ngập sắc hoa Xuân trong diện mạo của một đô thị đang hiện đại hóa từng ngày.

Các chợ hoa trước khu vực Phú Văn Lâu, Trung tâm văn hóa Thông tin tỉnh và nhiều đường phố ở Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đều tràn ngập sắc hoa, từ cúc vàng, mai, đào, đến thược dược, ly... phục vụ người dân Cố đô đón Tết.

Người dân Huế có tập quán chơi hoa ngày Tết từ lâu đời. Bất kỳ nhà nào, cho dù nghèo thì cứ đến 30 Tết là đã có ít nhất một cặp hoa cúc chưng ở trước sân. Điều này lý giải vì sao các chợ hoa Tết ở Huế luôn tràn ngập sắc hoa và đều bán hết khi trước khi kết thúc năm cũ, để đón mừng Năm mới.

Bước sang năm 2013, thành phố Huế đã có những sự chuyển biến mạnh mẽ, xứng đáng là đô thị trung tâm trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc TW theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, trong năm 2012, thành phố Huế xác định là năm đô thị để tập trung nguồn lực đầu tư nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn.

Diện mạo thành phố từng ngày đã có những thay đổi rõ nét, xanh, sạch, đẹp và lung linh hơn trước rất nhiều. Trên sông Hương, cùng với việc đưa dần 1.000 hộ dân vạn đò lên bờ định cư, ổn định cuộc sống, là việc cải tại lại đôi bờ thoáng đãng hơn.

Thành phố đã tập trung giải tỏa 187 hộ dân sống ven bờ sông Hương đoạn từ Kim Long đến Thiên Mụ, với tổng kinh phí đầu tư 12 tỷ đồng. Kế đến là việc giải tỏa dân dọc bờ sông đoạn từ Gia Hội đến cầu chợ Dinh, với chiều dài 2,1km; trong đó có tuyến đường mới mở chạy dọc bờ sông, với cao trình +2m, tổng vốn đầu tư là 54 tỷ đồng. Đoạn bờ sông trước công viên 3/2 đoạn từ cầu Tràng Tiền đến khách sạn Century được đầu tư gần 7 tỷ đồng để kè bờ, làm bến thuyền du lịch đón khách đi ca Huế trên sông.

Tiếp đó, thành phố Huế bắt đầu triển khai vệc khai thác du lịch trên không gian sông nước đặc trưng của cố đô Huế bởi sông Hương có vị trí hết sức quan trọng trong tổ chức không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị, trong khi  hầu hết các di tích liên quan đến kinh thành Huế đều gắn liền với sông Hương và cảnh quan đôi bờ.

Từ năm 1993, quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa Thế giới. Cố đô Huế có 17 di tích và cụm di tích đã được công nhận gồm Hoàng thành, Kinh thành, Trấn Hải thành, đàn Nam giao, Văn-Võ miếu, cung An Định, Hổ quyền-điện Voi ré, các lăng: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Đồng Khánh, Khải Định, Vạn Vạn, điện Huệ Nam, chùa Thiên Mụ.Tất cả đều có quan hệ mật thiết với sông Hương trong tổng thể không gian kiến trúc chung.

Đến thời điểm hiện nay, Huế có thể tự hào với các dự án chỉnh trang bờ sông Hương, đoạn chảy qua thành phố Huế, làm cho con sông nên thơ nay càng xanh, sạch, đẹp hơn. Bên cạnh cây cầu đường sắt Bạch Hổ khiêm tốn giờ đã có thêm cầu đường bộ Dã Viên rộng rãi, bề thế bắc qua sông Hương vừa được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2012.

Giao thông nội đô cũng đã có bước cải thiện đáng kể khi trong tháng 2/2013, thành phố Huế đã chính thức đưa vào sử dụng cầu Ga, cây cầu cuối cùng bắc qua sông An Cựu, nối đường Lê Lợi với đường Bùi Thị Xuân và ga Huế.

Như vậy, đến nay có tổng công sáu cây cầu bắc qua sông An Cựu, ngoài cầu Ga còn có cầu Điện Biên Phủ, Bến Ngự, Phủ Cam, Kho Rèn và cầu An Cựu, thay thế các cầu cũ bắc qua sông từ thời thuộc Pháp.

Việc hoàn chỉnh hệ thống cầu qua sông An Cựu, trong đó có những trục đường chính đi lên các phường phía Tây như đường Trần Phú (qua cầu Kho Rèn), Phan Bội Châu (cầu Bến Ngự), hoặc đường Điện Biên Phủ (qua cầu Nam Giao), một trong những tuyến đường huyết mạch trong trục giao thông phía Tây thành phố, giảm ùn tắc giao thông ở những lúc cao điểm, phù hợp với xu thế của một thành phố mở rộng và phát triển.

Việc chống ngập cho Huế và các địa điểm di tích cũng được đặt ra trong một dự án cải thiện môi trường nước thành phố, với kinh phí giai đoạn 1 là 20,8 tỷ yen (tương đương 220 triệu USD) từ vốn ODA Nhật Bản thông qua cơ quan quốc tế Nhật Bản (JICA).

Dự án xây dựng 250km ống thoát nước đổ ra các sông, hồ; 90 cửa xả và 9 trạm bơm được xây dựng cùng với một nhà máy xử lý nước thải công suất 22.000m3/ngày đêm. Dự án hoàn thành sẽ giúp cải thiện môi trường sống cho hơn 400.000 người dân trong thành phố và các vùng lân cận.

Đây được xem là dự án quy mô nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực nước, nhằm xây dựng Huế thành một thành phố đô thị sinh thái thân thiện với môi trường.

Bên cạnh hạ tầng đô thị được chỉnh trang, những định hướng phát triển đã dần được hình thành nhờ các bản đồ án quy hoạch đô thị đã và đang được hoàn thiện. Quan trọng và có tính quyết định nhất chính là việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, với khoản kinh phí lên đến 3,5 triệu USD (hơn 70 tỷ đồng).

Hy vọng, từ kinh nghiệm của các chuyên gia quy hoạch đến từ Hàn Quốc sẽ góp phần giúp cho Huế xây dựng đô thị hiện đại, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, phù hợp với bảo tồn và phát triển các giá trị của Cố đô Huế..../.

Quốc Việt (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục