“Hừng Đông”: Khi cải lương kết hợp với nghệ thuật đường phố

Để tác phẩm có tính mới mẻ, đạo diễn đã kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong vở diễn khi mời nhóm nghệ thuật đường phố Hub, nên vở cải lương “Hừng Đông” có cả những màn biểu diễn của jazz, rock...
“Hừng Đông”: Khi cải lương kết hợp với nghệ thuật đường phố ảnh 1Dàn diễn viên trong vở diễn "Hừng Đông." (Ảnh: BTC)

“Kịch bản tuy được dàn dựng rút gọn trong hai tiếng, chưa thể nói hết sự nghiệp của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, nhưng vẫn có các chi tiết chính nhất trong quá trình hoạt động của ông. Vở diễn nói về đề tài đấu tranh cách mạng, song lời thoại không máy móc, giáo điều. Các nhân vật dung dị, mộc mạc, chân thực với cái tâm trong sáng. Dàn diễn viên diễn xuất một cách chân thực những phút giây ghen tuông vợ chồng, tạo nên sự trữ tình cho vở diễn…”

Đạo diễn, nghệ sỹ ưu tú Triệu Trung Kiên chia sẻ như vậy trước khi vở diễn "Hừng Đông" ra rạp. Từ lâu Nhà hát Cải lương Việt Nam không xây dựng tác phẩm với đề tài cách mạng nên với tác phẩm chào mừng Đại hội Đảng này các nghệ sỹ có nhiều lo lắng. Đạo diễn Trung Kiên cũng vì thế mà mang một gánh nặng tâm lý, là làm sao để xây dựng những sự kiện liên tiếp của trang sử Đảng mà không khô cứng.

Khi cải lương kết hợp nghệ thuật đường phố

Êkíp mời nhóm HUB tham gia với mong muốn các bạn trẻ cùng kể lại một trang sử Đảng. Thông qua hình tượng nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, tác phẩm nhằm tri ân những chiến sỹ hy sinh vì lý tưởng, độc lập tự do của Tổ quốc. Tác phẩm do phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản văn học, Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương, nghệ sỹ Triệu Trung Kiên đạo diễn.

Vở diễn khắc họa hình tượng nhà cách mạng Phan Đăng Lưu và các đồng chí, đồng bào của ông giai đoạn 1923-1940. Tác phẩm gồm bảy phần, mở ra từ cảnh Phan Đăng Lưu là nhân viên trại tơ tằm Thanh Ba, Phú Thọ về thăm nhà ở Yên Thành, Nghệ An. Ông từ bỏ vị trí một viên chức trong bộ máy thực dân, trở thành nhà hoạt động cách mạng. Các phần tiếp theo của tác phẩm kể lại cuộc đời Phan Đăng Lưu qua các giai đoạn hoạt động ở Huế, trong nhà tù Buôn Ma Thuột, ở Nam Kỳ thực hiện cuộc khởi nghĩa, dự hội nghị tái lập ban chấp hành Trung ương Đảng.

Để tác phẩm có tính mới mẻ, đạo diễn đã kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong vở diễn khi mời nhóm nghệ thuật đường phố Hub cùng biểu diễn. Do đó, vở cải lương “Hừng Đông” có cả những màn biểu diễn của jazz, rock, pop...

Ban nhạc HUB xuất hiện để kể trực tiếp vấn đề giữa người thực, việc thực diễn ra trên sân khấu cải lương với những xúc cảm dào dạt khi họ chơi thứ âm nhạc thể hiện cao trào trong các cảnh người lính phu xe hay người cai tù bị đánh chết... 

Theo đạo diễn, những người trẻ sẽ mang sức trẻ của thế hệ họ đi theo câu chuyện và cùng có tác động qua lại. Vở kịch kết thúc khi họ nhận ra cái mà họ thiếu, khi những người trẻ đi theo trào lưu âm nhạc quốc tế nhưng lại được tác động trở lại tới nhận thức thông qua vở diễn nhờ hồn cốt của người Việt, truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước cách mạng.

“Hừng Đông”: Khi cải lương kết hợp với nghệ thuật đường phố ảnh 2Hai diễn viên chính trong vở diễn. (Ảnh: BTC)

Lời tri ân với thế hệ người cộng sản

“Tôi thích lối xử lý về nghệ thuật của đạo diễn Trung Kiên, mỗi lần xem đều có cái mới và anh còn làm hay nhiều vở diễn khác nữa…,” Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đánh giá.

Có lẽ cũng thích làm mới những thứ tưởng như rất cũ và khó, mà tác giả Nguyễn Thế Kỷ chọn nhân vật Phan Đăng Lưu để xây dựng kịch bản cải lương. Bởi ngày nay có khá ít tác phẩm, công trình về người chiến sỹ cách mạng có nhiều cống hiến này.

"Ở một giai đoạn khó khăn của đất nước, người cộng sản đấu tranh bằng nhiều cách, trong đó Phan Đăng Lưu chọn báo chí, văn hóa văn nghệ. Ngay cả khi dự báo được tình hình cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ khó khăn, ông vẫn xung phong vào Nam thực hiện nhiệm vụ. Tôi hy vọng tác phẩm là lời tri ân với thế hệ người cộng sản ở giai đoạn khó khăn nhất của Đảng," phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ bày tỏ.

Trong khi đó, nghệ sỹ Quang Khải của Nhà hát Cải lương Việt Nam là người vào vai Phan Đăng Lưu cho biết nhận vai ​diễn này với anh là một thử thách lớn. Bởi, "những vở diễn khác rất dễ nhớ lời, nhưng vở này khiến tôi phải tập trung cao độ. Tôi học kịch bản tới 2 giờ sáng, hôm sau 6 giờ dậy để học tiếp mới có thể nhớ thoại. Vở diễn thể hiện khí chất một chiến sỹ cách mạng, một người tri thức gần gũi với nhân dân."

“Hừng Đông” do Nhà hát Cải lương Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp thực hiện, sẽ chính thức ra mắt công chúng Thủ đô tại rạp Hồng Hà, Hà Nội từ 7-9/1, sau đó Đài Truyền hình Việt Nam sẽ giới thiệu vở diễn trong chương trình “Sân khấu truyền hình” nhằm phục vụ khán giả cả nước./.

“Hừng Đông”: Khi cải lương kết hợp với nghệ thuật đường phố ảnh 3Thiết kế 3D của vở diễn "Hừng Đông." (Ảnh: BTC)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục