Hưng Yên gấp rút kiểm điểm cán bộ vi phạm liên quan đến Vườn Vạn Tuế

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử cho biết để xảy ra sai phạm tại dự án Vườn Vạn Tuế có trách nhiệm của các sở, ban, ngành và chính quyền huyện Văn Giang, xã Phụng Công.
Hưng Yên gấp rút kiểm điểm cán bộ vi phạm liên quan đến Vườn Vạn Tuế ảnh 1Một góc dự án Vườn Vạn Tuế tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan đến thông tin “đại” dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế-Sago Palm Garden tại huyện Văn Giang “xây chui, bán lủi” hơn 200 căn nhà biệt thự, liền kề khi chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như thiếu các thủ tục pháp lý và rao bán trái phép trong suốt gần 3 năm đã được Báo điện tử VietnamPlus phản ánh trong loạt bài “Loạn quy hoạch làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ tận gốc,” lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cho biết đã yêu cầu các sở, ngành tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm.

Ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm?

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, ông Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên cho biết: Liên quan đến dự án Vườn Vạn Tuế, vừa qua, Thanh tra tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị công bố kết luận thanh tra, qua đó đã chỉ ra các sai phạm liên quan đến trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương và phía chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần thương mại sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng.

Tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh là yêu cầu các cơ quan và cá nhân có liên quan đến sai phạm, điển hình như các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ủy ban Nhân dân huyện Văn Giang, Ủy ban Nhân dân Phụng Công phải tiến hành kiểm điểm và báo cáo trước ngày 30/6/2020.

Theo Kết luận thanh tra, tại thời điểm thanh tra (tháng 3/2020), dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế-Sago Palm Garden mới chỉ được đồng ý về mặt chủ trương. Tuy nhiên, Công ty cổ phần thương mại sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng các hạng mục công trình trên khu đất thực hiện dự án Nhà máy sản xuất gạch tuynel cũ. Số lượng công trình xây dựng “vượt đèn đỏ” là hơn 200 biệt thự, liền kề và chào bán trên thị trường.

Trong 3 năm (2017, 2018, 2019), Công ty Đại Hưng đã ký 61 hợp đồng hợp tác đầu tư nguyên tắc và trong năm 2018, 2019, công ty đã thực hiện 43 căn hộ (trong đó có 42 căn hộ đã chuyển thành hợp đồng mua bán nhà). Tổng số tiền thu được hơn 244 tỷ đồng. Việc ký hợp đồng được thực hiện khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; vi phạm về Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản…

['Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ triệt để]

Cũng theo Kết luận thanh tra, để xảy ra các sai phạm trên, có trách nhiệm của các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường do chưa sâu sát, thực hiện chức năng chuyên ngành về thanh-kiểm tra, giám sát việc thực thiện pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, kinh doanh bất động sản của Công ty Đại Hưng; chưa kịp thời phát hiện, chưa có biện pháp kiên quyết xử lý sai phạm khi phát hiện.

Đặc biệt, Sở Xây dựng tiếp nhận hồ sơ thẩm định chưa đảm bảo nội dung theo quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Việc Sở Xây dựng chấp thuận, tiến hành thẩm định và thông báo kết quả thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán dự án xây dựng khi Công ty Đại Hưng chưa có quyết định chủ trương đầu tư, cũng như chưa phải là chủ đầu tư đối với dự án “Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế” là chưa đảm bảo theo quy định.

Hưng Yên gấp rút kiểm điểm cán bộ vi phạm liên quan đến Vườn Vạn Tuế ảnh 2Dự án Vườn Vạn Tuế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về phía chính quyền địa phương, Kết luận thanh tra khẳng định: Ủy ban Nhân dân huyện Văn Giang và Ủy ban Nhân dân xã Phụng Công chưa sâu sát trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn; chưa có biện pháp phát hiện, kịp thời xử lý sai phạm của Công ty Đại Hưng…

“Theo báo cáo của thanh tra thì các cơ quan cũng đã đề cập đến vấn đề đi kiểm tra, nhắc nhở hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý nhưng vấn đề là không lập biên bản, không xử phạt ngay từ ban đầu. Đấy cũng là trách nhiệm của các sở, ngành, vì thế tỉnh đã yêu cầu kiểm điểm. Trách nhiệm của các sở ban ngành đến đâu, của tập thể, cá nhân như thế nào thì sẽ kiểm điểm, xử lý đến đấy,” ông Cử nhấn mạnh.

Rút được kinh nghiệm gì từ… loạt sai phạm?

Cũng trong buổi làm việc với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus vào ngày 30/6, ông Bùi Thế Cử cho biết sau những vi phạm ở dự án Vườn Vạn Tuế, tỉnh đã rút ra được một số kinh nghiệm.

Kinh nghiệm đầu tiên được ông Cử đề cập đến đó là về mặt thủ tục pháp lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa hướng dẫn kịp thời để cho nhà đầu tư thực hiện thủ tục. Trong quá trình thực hiện thủ tục cũng phát sinh các vấn đề vướng mắc, khó khăn, các sở, ngành cũng chưa tập trung bàn, họp để tháo gỡ.

Thứ hai là khi xảy ra vi phạm chậm phát hiện kịp thời, khi phát hiện cũng không có biện pháp xử lý ngay, triệt để dẫn đến các vi phạm. “Tức là lẽ ra phải xử lý vi phạm ngay khi phát hiện và phát hiện ngay khi mới bắt đầu. Nếu làm được các yêu cầu này thì đã không xảy ra các sai phạm trên,” ông Cử nhấn mạnh.

[Trôi nổi quả bóng trách nhiệm: Cấp trên làm sai, cấp dưới chịu tội]

Cũng theo ông Cử, dự án Vườn Vạn Tuế đã cơ bản xây dựng xong phần hạ tầng về nhà ở theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, mẫu chốt là tính pháp lý của dự án chưa đầy đủ và còn tồn tại một phần vướng mắc về thủ tục phải dừng lại do yêu cầu của cơ quan nhà nước; cũng như chồng chéo giữa các Luật Đấu thầu, Đất đai, Nhà ở, Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành…

“Vì thế, tôi đã cùng 5 sở đi trao đổi kinh nghiệm thực tiễn ở Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh để giải quyết những vướng mắc nhưng mỗi tỉnh có cách làm khác nhau nên tỉnh phải có văn bản báo Thủ tướng, sau đó Thủ tướng mới giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để có văn bản hướng dẫn,” ông Cử chia sẻ.

Hưng Yên gấp rút kiểm điểm cán bộ vi phạm liên quan đến Vườn Vạn Tuế ảnh 3Dự án Vườn Vạn Tuế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đề cập đến hướng xử lý dự án Vườn Vạn Tuế, ông Cử khẳng định bao giờ dự án được Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư thì mới làm thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Sau đó mới tính tiền sử dụng đất, phê duyệt giá đất cụ thể. Quy trình còn rất dài. Vì thế, dự án hoàn thiện thủ tục pháp lý mới cho người dân đến ở vì “đã vi phạm một lần rồi không thể để vi phạm lần 2.”

“Ở góc độ quản lý nhà nước, tôi cũng mong muốn sớm đưa dự án vào hoạt động để phát huy hiệu quả. Tuy nhiên trong bối cảnh dự án còn tồn tại các vi phạm và cần hoàn thiện các thủ tục thì cũng phải cương quyết xử lý,” ông Cử nhấn mạnh.

Trong diễn biến liên quan, trong hai ngày 30/6 và 1/7, phóng viên VietnamPlus đã liên hệ làm việc với Giám đốc các Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường để ghi nhận thêm thông tin về kết quả kiểm điểm của các sở, ngành liên quan, tuy nhiên lãnh đạo các sở này đều “né” trả lời./.

Theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, kể từ ngày 15/1/2018, những công trình vi phạm sẽ phải tháo dỡ, không còn chuyện phạt cho tồn tại.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục