Huy động nguồn lực để Tây Nguyên phát triển nhanh

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung các cơ chế chính sách ưu đãi để Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững.
Ngày 12/4, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ hai 2013. Đây là cơ hội tốt để giới thiệu, trao đổi, nắm bắt các tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên, tiếp cận các dự án trọng điểm đang ưu tiên thu hút đầu tư, những cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các lĩnh vực, địa bàn trong vùng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng trên 600 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành Trung ương, ngân hàng và doanh nghiệp tham dự sự kiện quan trọng này.

Vùng đất giàu tiềm năng


Với diện tích tự nhiên trên 5,4 triệu ha, trong đó có 1,36 triệu ha đất đỏ bazan, chiếm 66% diện tích đất bazan toàn quốc, dân số 4,8 triệu người, Tây Nguyên thực sự là vùng đất giàu tiềm năng lợi thế phát triển, nhất là về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu.

Nhận rõ đặc điểm, ví trí quan trọng, tiềm năng to lớn và cả những khó khăn trong việc phát triển kinh tế-xã hội của vùng Tây Nguyên, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên; Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều quyết định về quy hoạch và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đối với các tỉnh Tây Nguyên.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của đồng bào các dân tộc và sự góp sức của cả nước, kinh tế-xã hội Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Hiện nay, Tây Nguyên là vùng sản xuất nhiều loại nông sản hàng hóa với sản lượng lớn, chất lượng và giá trị kinh tế ngày càng tăng, có lợi thế cạnh tranh cả trong và ngoài nước như càphê, cao su, chè, tiêu, bông vải, dược liệu, cây ăn quả, nguyên liệu giấy...

Công nghiệp phát triển cả về quy mô và công nghệ, đáng chú ý là thủy điện, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản... với thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng. Dịch vụ, nhất là thương mại, vận tải, viễn thông, ngân hàng phát triển khá nhanh. Kinh tế tăng trưởng liên tục ở mức khá cao. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh từ 2,9 triệu đồng (năm 2001) lên 26,9 triệu đồng năm 2012. Kết cấu hạ tầng phát triển khá nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội của vùng, giao lưu thuận lợi hơn với các tỉnh Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh, Duyên hải miền Trung, với Lào và Campuchia.

Hầu hết các tuyến đường giao thông chính trên địa bàn đã được cải tạo. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã được hoàn thành về cơ bản, tuyến đường Đông Trường Sơn nối liền 7 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã được khởi công xây dựng. Các sân bay được nâng cấp và mở thêm đường bay đến một số thành phố lớn trong nước. Giao thông nông thôn tiếp tục phát triển, 100% các trung tâm cụm xã, hầu hết số xã đã có đường ôtô đến trung tâm.

Kể từ sau Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ nhất năm 2009 đến nay, thu hút đầu tư vào vùng đã có chuyển biến tích cực với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt trên 90.000 tỷ đồng (bình quân 30.000 tỷ đồng/ năm). Về thu hút nguồn vốn ODA, từ năm 2005 đến nay, vùng Tây Nguyên thu hút được hơn 192 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như nông nghiệp và phát triển nông thôn; xóa đói giảm nghèo; cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông; giáo dục và đào tạo; y tế; thủy lợi...

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến hết tháng 3/2013, vùng đã thu hút được 169 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 900 triệu USD.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên khẳng định Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ hai năm 2013 có ý nghĩa thiết thực, là sự kiện xúc tiến đầu tư cấp quốc gia trọng điểm nhằm giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên; các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, thu hút đầu tư; các dự án trọng điểm cần thu hút vốn đầu tư giai đoạn 2013-2015...

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã giới thiệu với các nhà đầu tư tiềm năng, lợi thế, các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của vùng, đồng thời khẳng định tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; luôn đồng hành, chào đón và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào Tây Nguyên trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Tháo gỡ lực cản


Với lợi thế nhưng hiện Tây Nguyên cũng là vùng khó khăn, lạc hậu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, địa hình hiểm trở, chia cắt phức tạp, dân cư phân tán, tỷ lệ đói nghèo cao, sản xuất chưa phát triển, trình độ dân trí thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định an ninh, chính trị. Vì vậy, đầu tư phát triển Tây Nguyên có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn đối với việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và sự ổn định, phát triển bền vững đất nước, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, cơ hội đầu tư vào vùng Tây Nguyên là rất lớn, nhu cầu vốn đầu tư phát triển của vùng giai đoạn 2011-2015 khoảng 400.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư tư nhân (kể cả FDI) khoảng 250.000 tỷ đồng (chiếm đến 60%).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện và trình Chính phủ Quyết định ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và ưu đãi phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020, trong đó tập trung vào xúc tiến đầu tư, thu hút FDI vào lĩnh vực giáo dục-đào tạo, huy động và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp muốn gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên...

Về hỗ trợ nguồn lực, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên, cấp ủy, chính quyền địa phương 5 tỉnh trong vùng xây dựng đề án tổng thể của ngành ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế Tây nguyên để triển khai trong toàn hệ thống, từ các vụ cục của Ngân hàng Trung ương trong việc cập nhật, phản ứng nhanh về tháo gỡ khó khăn chính sách, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong việc mở rộng màng lưới, tập trung vốn tham gia tài trợ các chương trình tín dụng đặc thù cho kinh tế Tây Nguyên.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, nhất là ngân hàng thương mại nhà nước phải tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật nghiệp vụ của tổ chức quốc tế để nghiên cứu triển khai chính sách cho vay theo hướng cho vay theo chuỗi giá trị, cho vay theo dòng tiền, để tạo điều kiện doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận vốn tín dụng không cần nhiều tài sản thế chấp.

Các ngân hàng thương mại nhà nước phải đi đầu trong việc đóng vai trò trung tâm tạo lập ra các chuỗi giá trị từ nhà cung cấp đầu vào về nguyên vật liệu, con giống, đến người nông dân sản xuất, đến doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu, các siêu thị nhà hàng đưa hàng hóa đến người tiêu dùng trong cả nước nhằm kích cầu nội địa và thiết thực tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho sản xuất chế biến nông sản hàng hóa của Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm đầu mối, kết nối tất cả các chương trình tài trợ cho an sinh xã hội đối với huyện nghèo, xã nghèo, hộ đặc biệt khó khăn trong vùng kinh tế Tây Nguyên, để có nguồn tiền đủ lớn, tạo ra sự thay đổi đáng kể đối với sản xuất, kinh doanh, điều kiện đi lại, trường học, nơi khám chữa bệnh... của bà con trong vùng được tài trợ.

Ngay trong hội nghị này, các ngân hàng đã huy động được trên 251 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, trong đó các ngân hàng thương mại đóng góp 184 tỷ đồng, Chủ tịch Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà cho biết.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong vùng cũng đã chia sẻ, trao đổi với các nhà đầu tư các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào vùng trong những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, lợi thế như nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, khai khoáng, năng lượng, du lịch, dịch vụ...

Huy động mọi nguồn lực đưa Tây Nguyên phát triển bền vững

Nhấn mạnh tiềm năng lợi thế và những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội của vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng kết quả thu hút đầu tư vào Tây Nguyên đến nay còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Số lượng, quy mô dự án còn hạn chế, công nghệ đơn giản, lạc hậu; sử dụng ít lao động và chủ yếu tập trung ở các đô thị. Số lượng dự án đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, du lịch-dịch vụ tạo giá trị gia tăng lớn còn rất ít, chưa thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn.

Để tiếp tục xây dựng Tây Nguyên trở thành một trong những vùng động lực phát triển của cả nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện để trình ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020.

Chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình lớn về hạ tầng giao thông, đảm bảo thông suốt, nối liền các cảng biển, sân bay, đô thị ven biển và các vùng phụ cận; chú trọng xúc tiến việc đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh (đoạn quốc lộ 14 cũ qua Tây Nguyên) các dự án đường cao tốc ngã ba Dầu Giây-Đà Lạt, Pleiku-Quy Nhơn, các tuyến đường sắt nối Tây Nguyên với vùng Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ; đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa các sân bay Buôn Ma Thuột, Pleiku và Liên Khương nhằm tạo thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các địa phương trong vùng Tây Nguyên cần tăng cường phối hợp, triển khai quy hoạch một cách hiệu quả, gắn kết các tiềm năng, lợi thế, tạo tiếng nói chung để thu hút đầu tư, phát triể; chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ quản lý và tay nghề cao; có chính sách thích hợp để khuyến khích ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển.

“Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung các cơ chế chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi đặc thù phát triển một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để vùng Tây Nguyên thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư, phát triển nhanh, bền vững," Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương trong vùng khẩn trương chọn, đề xuất một số dự án đầu tư trọng điểm, có tính lan tỏa vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và đề xuất các ưu đãi đặc biệt để tập trung đầu tư và thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức, nguồn vốn khác nhau.

Nhấn mạnh việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế, giao lưu thương mại giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh vùng biên của Lào, Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cần việc thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên phải gắn với việc đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội nhằm tạo cho Tây Nguyên trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nhưng cũng bảo đảm Tây Nguyên mãi là vùng căn cứ vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngay tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ hai 2013, các ngân hàng thương mại đã ký kết 28 hợp đồng tài trợ vốn cho các doanh nghiệp trong vùng đầu tư vào lĩnh vực cà phê, cao su, thủy điện với số tiền gần 24.000 tỷ đồng và trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 13 doanh nghiệp với tổng số vốn trên 16.000 tỷ đồng./.

Thiện Thuật (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục