Hy Lạp cải tổ đội ngũ đàm phán nợ với các chủ nợ quốc tế

Chính phủ Hy Lạp quyết định cải tổ đội ngũ quan chức cuộc đàm phán về vấn đề nợ với các chủ nợ quốc tế nhằm đẩy nhanh tốc độ đàm phán.
Hy Lạp cải tổ đội ngũ đàm phán nợ với các chủ nợ quốc tế ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)

Sau tiến trình đàm phán về vấn đề nợ của Hy Lạp với các định chế cho vay quốc tế trong 2 tháng qua vẫn "dậm chân tại chỗ", Chính phủ Hy Lạp ngày 27/4 đã quyết định cải tổ đội ngũ quan chức xử lý các cuộc thương lượng này.

Athens ra tuyên bố cho biết sẽ thành lập một "nhóm đàm phán chính trị" dưới sự quản lý của Thứ trưởng Ngoại giao, Giáo sư kinh tế Euclid Tsakalotos, nhằm hỗ trợ tìm kiếm giải pháp trong các cuộc đàm phán khó khăn.

Động thái trên diễn ra sau khi Bộ trưởng Tài chính nhóm các nước sử dụng đồng Euro (Eurogroup) gia tăng áp lực yêu cầu Athens phải đẩy nhanh tốc độ đàm phán danh mục các cải cách mà Hy Lạp phải thực hiện nếu muốn được giải ngân khoản cứu trợ 7,2 tỷ euro còn lại trong chương trình cứu trợ phối hợp giữa Liên minh châu Âu (EU) và QuỹTiền tệ Quốc tế (IMF) trị giá 240 tỷ euro.

Sức ép càng tăng cao sau khi cuộc họp của Eurogroup diễn ra hôm 24/4 tại thủ đô Riga (Latvia) đã không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về những bước đi tiếp theo trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp.

Sự thất bại trong các cuộc đàm phán 2 tháng qua cũng đã khiến Bộ trưởng tài chính Yanis Varoufakis trở thành "tâm điểm" cho những chỉ trích gay gắt cả trong và ngoài nước.

Kết quả một cuộc khảo sát được công bố trong ngày 26/4 cho thấy 7/10 người Hy Lạp được hỏi muốn các nhà lãnh đạo cánh tả cấp tiến sớm đạt được thỏa thuận với các chủ nợ, trong khi tỷ lệ người dân tin tưởng và ủng hộ Bộ trưởng Tài chính Varoufakis chỉ đạt 51%.

Hy Lạp đang nỗ lực đàm phán với "bộ ba" chủ nợ gồm EU, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để được giải ngân 7,2 tỷ euro (7,8 tỷ USD) còn lại trong chương trình cứu trợ phối hợp giữa EU và IMF.

Khoản cứu trợ này được cho là rất quan trọng đối với Hy Lạp, giúp Athens tránh nguy cơ phá sản và đáp ứng chi tiêu công hàng ngày trong bối cảnh ngân khố đang trống rỗng. Tuy nhiên, Chính phủ mới của Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố từ bỏ các chính sách "thắt lưng buộc bụng", đi ngược lại yêu cầu cải cách của các chủ nợ, khiến các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc.

Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Berlin sẽ làm tất cả những gì có thể để không xảy ra kịch bản Hy Lạp phải tuyên bố phá sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục