Hy Lạp để ngỏ kế hoạch trưng cầu ý dân về yêu cầu cứu trợ

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thông báo nước này sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 5/7 tới để quyết định về chương trình cải cách và thắt lưng buộc bụng nhằm đổi lấy gói cứu trợ.
Hy Lạp để ngỏ kế hoạch trưng cầu ý dân về yêu cầu cứu trợ ảnh 1Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Trước thềm cuộc gặp của các Bộ trưởng Tài chính Eurozone tại thủ đô Brussel của Bỉ vốn được xem là sẽ quyết định số phận của Hy Lạp trong khu vực Eurozone, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thông báo nước này sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 5/7 tới để quyết định về chương trình cải cách và thắt lưng buộc bụng nhằm đổi lấy gói cứu trợ trong trường hợp Athens đạt được một thỏa thuận liên quan với các chủ nợ quốc tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trên truyền hình Hy Lạp tối 26/6, Thủ tướng Tsipras cho biết ông đã triệu tập phiên họp Nội các khẩn cấp sau cuộc đàm phán thất bại với các chủ nợ quốc tế và muốn để người dân Hy Lạp tự quyết định tương lai của mình trong trường hợp Athens đạt được thỏa thuận với "bộ ba" chủ nợ quốc tế gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).

Ông Tsipras muốn các chủ nợ gia hạn thêm vài ngày sau khi chương trình cứu trợ hiện nay chấm dứt vào ngày 30/6 tới.

Trong khi đó, theo báo Tấm gương của Đức số ra ngày 26/6, nhiều thành viên nội các Hy Lạp tuyên bố sẽ kêu gọi người dân bỏ phiếu chống kế hoạch của ông Tsipras để phản đối việc tăng thuế và thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ.

Dù các đề xuất của Brussels và Athens được cho là đã tương đồng tới 90%, song Hy Lạp và các chủ nợ vẫn không đạt được thỏa thuận về việc giải ngân khoản cứu trợ cuối cùng trị giá 7,2 tỷ euro, bất chấp thời hạn chót để Athens trả 1,6 tỷ euro tiền nợ cho IMF đang đến gần và nước này đang đứng trước nguy cơ phá sản, phải rời khỏi Eurozone.

Trong các cuộc đàm phán, Athens cho rằng các yêu cầu "thắt lưng buộc bụng" của các định chế tài chính quá ngặt nghèo, không có tác dụng thúc đẩy kinh tế Hy Lạp và đi ngược lại nền dân chủ của nước này.

Việc các chủ nợ yêu cầu Athens phải thả nổi thị trường lao động, cắt giảm lương hưu, tăng thuế giá trị gia tăng đối với thực phẩm nếu nước này muốn được tiếp tục giải ngân là điều khó có thể được chấp nhận.

Thủ tướng Hy Lạp Tsipras khẳng định cắt giảm lương hưu là "lằn ranh đỏ" không thể nhượng bộ trong đàm phán với các chủ nợ.

Trong diễn biến mới nhất, các chủ nợ quốc tế tuyên bố sẵn sàng giải ngân "nóng" 1,8 tỷ euro cho Hy Lạp để giúp nước này hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho IMF vào thời hạn chót 30/6 và tránh nguy cơ phá sản kỹ thuật. Tuy nhiên đổi lại, Hy Lạp sẽ phải chấp nhận bộ yêu cầu của các chủ nợ về gói cải cách đầu tiên.

Hiện chưa biết Hy Lạp sẽ phản ứng ra sao trước đề xuất này của các chủ nợ quốc tế khi mà cơ hội thành bại của cuộc họp Bộ trưởng Tài chính Eurozone về cứu trợ Hy Lạp chỉ được đánh giá là ngang nhau: 50/50./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục