Hy Lạp: Thâm hụt ngân sách và nợ công cao hơn dự kiến

Cơ quan thống kê Hy Lạp (Elstat) ngày 15/4 thông báo các hoạt động tài chính công của nước này trong năm 2014 yếu kém hơn dự báo ban đầu.
Hy Lạp: Thâm hụt ngân sách và nợ công cao hơn dự kiến ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels và nguồn tin nước ngoài, Cơ quan thống kê Hy Lạp (Elstat) ngày 15/4 thông báo các hoạt động tài chính công của nước này trong năm 2014 yếu kém hơn dự báo ban đầu.

Eltstat cho biết thâm hụt ngân sách nhà nước trong năm ngoái lên đến 6,4 tỷ euro (khoảng 6,8 tỷ USD), tương đương 3,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn gấp đôi mức 1,3% do chính phủ tiền nhiệm và mức 1,6% do Ủy ban châu Âu (EC) dự báo trước đó.

Các nhà phân tích tài chính Hy Lạp cho rằng nguyên nhân dẫn đến kết quả trên một phần do bất ổn chính trị và kinh tế trong vài tháng qua, nhưng chủ yếu do "thâm hụt khó thay đổi" trong tiến trình thực hiện những cải cách cơ cấu cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế ốm yếu này ổn định và phục hồi.

Các số liệu mới của Eltstat còn cho thấy nợ công của Hy Lạp năm ngoái lên đến 317,1 tỷ euro (177% GDP). Nếu so sánh, nợ công của Hy Lạp dừng ở 175% GDP (319,178 tỷ euro) năm 2013 và chỉ 171,3% GDP (355,977 tỷ euro) trong năm 2010, thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng nợ công.

Trong khi đó, GDP của Hy Lạp đã giảm trong những năm gần đây từ 207,75 tỷ euro vào thời điểm cuối năm 2010 xuống còn 179,081 tỷ euro trong năm vừa qua.

Dù Hy Lạp đã thoát khỏi 6 năm suy thoái kinh tế liên tiếp và chính phủ đương nhiệm đã cam kết giảm thâm hụt và thúc đẩy tăng trưởng, thặng dư ngân sách chính của nước này trong năm 2014 vẫn không đáp ứng các mục tiêu ban đầu, dừng ở 630 tỷ euro, tương đương 0,4% GDP trong khi chính phủ tiền nhiệm đề ra mục tiêu 1,5%.

Nhà phân tích tài chính Sotiris Nikas khẳng định Hy Lạp rất khó đạt mục tiêu thặng dư ngân sách chính 1,5% GDP trong năm 2015.

Trong quá trình đàm phán với các chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chính phủ mới được bầu tháng Giêng vừa qua của Hy Lạp luôn phản đối thực hiện những chính sách "thắt lưng buộc bụng" không được lòng dân, thay vào đó đã đề xuất một chính sách kinh tế thay thế. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định chính sách này ít có cơ hội được các chủ nợ chấp thuận, đặc biệt trong bối cảnh Athens công bố những kết quả ảm đạm nói trên.

Giới chức Hy Lạp thường chỉ trích chính sách khắc khổ dẫn đến suy thoái trong khi các chuyên gia khẳng định nguyên nhân chính do Athens không thực hiện được những cải cách cơ cấu cần thiết.

Một số nhà phân tích tài chính Hy Lạp cũng chia sẻ quan điểm này trong khi các chuyên gia IMF cảnh báo bất ổn kéo dài liên quan giải quyết thách thức bằng những thay đổi mạnh mẽ có thể làm xấu đi triển vọng kinh tế của Hy Lạp trong những tháng tới.

Cũng trong ngày 15/4, hãng đánh giá tín nhiệm Standard and Poor's (S&P) đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm tín dụng của Hy Lạp thêm một điểm xuống CCC+, mức mà người vay bị coi là có nguy cơ vỡ nợ; đồng thời khẳng định Athens cần cải cách nhiều hơn và cần trợ giúp.

S&P nhấn mạnh nếu không cải cách kinh tế mạnh mẽ hay không có sự trợ giúp tiếp theo, Hy Lạp không thể đảm bảo được nợ công hay những cam kết tài chính khác.

Cơ quan này cũng đặt triển vọng xếp hạng tín nhiệm đối với Hy Lạp ở mức tiêu cực.

Hy Lạp, EU và IMF đang đứng trước thời hạn chót vào ngày 24/4 tới phải đạt đồng thuận về gói cải cách mà Athens phải thực hiện để được giải ngân 7,2 tỷ euro (7,6 tỷ USD) cuối cùng trong chương trình cứu trợ trị giá 240 tỷ euro mà EU và IMF dành cho nước này từ năm 2010.

Các nhà quan sát cho biết các bên vẫn chưa đưa ra được giải pháp và khó đạt được điều này trong tuần tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục