IAEA: Không có bằng chứng Iran phát triển thiết bị hạt nhân sau 2009

IAEA cho rằng Iran có thể đã tiến hành phát triển vũ khí hạt nhân từ trước năm 2003, tuy nhiên các thanh sát viên IAEA không tìm thấy bằng chứng cho thấy hoạt động này được tiếp tục sau năm 2009.
IAEA: Không có bằng chứng Iran phát triển thiết bị hạt nhân sau 2009 ảnh 1Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano tại một cuộc họp báo ở trụ sở IAEA, Vienna, Áo ngày 25/8. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano ngày 3/12 đã công bố báo cáo mới nhất đánh giá về chương trình hạt nhân của Iran.

IAEA cho rằng Tehran có thể đã tiến hành các hoạt động liên quan tới phát triển vũ khí hạt nhân từ trước năm 2003, tuy nhiên các thanh sát viên IAEA không tìm thấy bằng chứng cho thấy hoạt động này được tiếp tục sau năm 2009.

Theo báo cáo của IAEA, Iran có hoạt động chế tạo một thiết bị nổ hạt nhân từ trước cuối năm 2003 và một phần hoạt động được tiếp tục sau năm 2003, tuy nhiên các thanh sát viên cho rằng hoạt động này không vượt ra khỏi khuôn khổ nghiên cứu khoa học-công nghệ và luận chứng về tính khả thi, cũng như đạt được các năng lực kỹ thuật liên quan nhất định.

Báo cáo nhấn mạnh: "IAEA không tìm thấy bằng chứng đáng tin cậy về việc các vật liệu hạt nhân đã được chuyển sang sử dụng cho các mục tiêu quân sự trong khuôn khổ của chương trình hạt nhân."

Bình luận về báo cáo của IAEA, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi tuyên bố IAEA xác nhận Iran hợp tác đầy đủ theo "lộ trình" ngày 14/7 và điều này cho phép IAEA kết luận không có "khía cạnh quân sự" trong chương trình hạt nhân của Iran.

Trong quá trình kiểm tra, các thanh sát viên IAEA cũng loại bỏ các nghi ngờ rằng tại cơ sở ở Marivan dường như có tiến hành các vụ nổ thử nghiệm.

Trả lời báo chí về những nghi ngờ của IAEA rằng nhà máy ở Parchin đã được sử dụng cho các thử nghiệm quân sự qua bằng chứng là các bức ảnh chụp từ vệ tinh của IAEA năm 2000, ông Araqchi nhấn mạnh Iran đã cung cấp cho IAEA những bức ảnh đáng tin cậy hơn bác bỏ các cáo buộc đó, ngoài ra chính Tổng Giám đốc IAEA cũng đã thăm cơ sở này và không thấy bằng chứng nào.

Ông Araqchi cũng nêu rõ báo cáo chứng tỏ chương trình hạt nhân của Iran phục vụ mục đích hòa bình và như vậy sẽ khép lại vấn đề chương trình hạt nhân của Iran.

Ban lãnh đạo IAEA sẽ chuẩn bị báo cáo cuối cùng vào ngày 15/12 để chuyển cho nhóm P5+1 (5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức), một báo cáo có tính quyết định để có thể bắt đầu thực hiện thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 được ký kết tại Vienna hồi tháng 7/2015.

Theo ông Araqchi, giờ đây, theo điều 14 của thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), nhóm P5+1 sẽ phải đề xuất một nghị quyết với Ban lãnh đạo IAEA về việc chấm dứt vụ việc về chương trình hạt nhân của Iran, còn ban lãnh đạo IAEA sẽ phải thông qua nghị quyết này và khép lại vụ việc này. Sẽ mất 2 tuần để hoàn tất các hoạt động này.

Cũng liên quan đến báo cáo của IAEA, Mỹ ngày 2/12 tuyên bố sẵn sàng thực hiện bước tiếp theo thực hiện thỏa thuận hạt nhân với Iran sau báo cáo của IAEA.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố Iran đã hợp tác thỏa đáng với các thanh sát viên IAEA. IAEA đã có thể kiểm tra chương trình hạt nhân của Iran và không tìm thấy bằng chứng cho thấy nước này tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân sau năm 2009.

IAEA xác nhận Iran đã thực hiện các cam kết của mình và đáp ứng các yêu cầu của IAEA theo lộ trình nhằm làm sáng tỏ chương trình hạt nhân của nước này.

Ông Toner cho biết Nhóm P5+1 sẽ đề trình một bản kiến nghị lên IAEA vào ngày 15/12 để khép lại vấn đề được gọi là "các khía cạnh quân sự có thể có" trong chương trình hạt nhân của Iran. Sau đó, các bên sẽ tập trung vào việc thực hiện JCPOA.

Theo thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1, Iran sẽ chấm dứt chương trình làm giàu hạt nhân và để các thanh sát viên quốc tế thanh sát các cơ sở hạt nhân của mình, đổi lại các cường quốc sẽ chấm dứt một số biện pháp trừng phạt đối với Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục