IBM đào tạo, nâng cao kỹ năng cho sinh viên Việt Nam hậu dịch bệnh

Có khoảng 3.000 sinh viên, học sinh Việt Nam đã được hưởng lợi từ chương trình quốc tế của IBM với mục đích hỗ trợ, nâng cao tay nghề cho tương lai khi kinh tế bị đại dịch COVID-19 tàn phá nặng nề.
IBM đào tạo, nâng cao kỹ năng cho sinh viên Việt Nam hậu dịch bệnh ảnh 1IBM cam kết hỗ trợ sinh viên, học sinh Việt Nam nâng cao tay nghề. (Ảnh minh họa/IBM)

Ngày 14/10, Tập đoàn IBM công bố kế hoạch toàn cầu nhằm đào tạo và nâng cao tay nghề cho 30 triệu người ở mọi lứa tuổi. Tại Việt Nam, tập đoàn này đã hợp tác với Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST) cùng một số sở giáo dục và đào tạo ở Hà Nội, Thanh Hóa để giúp học sinh, sinh viên Việt Nam thích ứng với thị trường việc làm sau đại dịch COVID-19.

Khi đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động đến nền kinh tế và lực lượng lao động của Việt Nam, các nhân viên trẻ gặp khó khăn khi làm việc tự do, không được đảm bảo về chế độ bảo trợ xã hội và nhiều chế độ việc làm khác. Tại Việt Nam đang có khoảng 60% lao động trẻ từ 15-24 tuổi làm các công việc như vậy. Tuy nhiên, nhiều người trẻ vẫn chưa được đào tạo chính quy về kỹ thuật và chuyển giao các kỹ năng cần thiết để bắt kịp cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Chính vì vậy tại Việt Nam, chương trình của IBM đã đặt mục tiêu thúc đẩy lộ trình học tập kỹ thuật số, ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo), đám mây và bảo mật trong các nội dung giảng dạy. Gần 600 người học đã truy cập vào nền tảng này, 14 sinh viên bắt đầu thực tập trong sáu tháng với IBM và các đối tác, khách hàng của IBM vào tháng Bảy, cùng với đó còn có một cuộc thi Hackathon nhỏ được tổ chức vào tháng Mười.

Phó Giáo sư Tạ Hải Hùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (SoICT, trực thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết mục tiêu của sự hợp tác với IBM sẽ không chỉ nâng cao kỹ năng kỹ thuật số cho sinh viên của trường, mà còn giúp họ nhanh chóng thích ứng với thị trường lao động hiện tại.

[Hậu COVID-19: Tám nhóm giải pháp phục hồi kinh tế trong giai đoạn mới]

Bên cạnh đó, IBM cũng đã hợp tác với SoICT, các sở giáo dục và đào tạo địa phương ở Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa để thúc đẩy Open P-TECH - chương trình sáng kiến giáo dục toàn cầu của IBM. Từ tháng Ba đến tháng Năm năm nay, gần 3.000 học sinh từ 13 đến 15 tuổi đã tham gia và hưởng lợi từ nền tảng này.

Chia sẻ về việc hợp tác, Phó Giáo sư Tạ Hải Tùng tiếp tục khẳng định SoICT luôn mong muốn thúc đẩy các hoạt động giáo dục, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong Kỷ nguyên Công nghiệp 4.0.

Bà Phạm Thị Thu Diệp, Tổng Giám đốc Quốc gia, Giám đốc Lãnh đạo Công nghệ IBM Việt Nam, cho biết tập đoàn đặt mục tiêu nâng cao kỹ năng cho người lao động bằng cách hợp tác với hệ sinh thái gồm các đối tác trong ngành, học viện và chính phủ, từ đó cung cấp các kỹ năng chuyên môn và kỹ thuật cho sinh viên và giáo viên.

"Cùng với các đối tác trong nước, chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng nguồn nhân lực công nghệ cao, trang bị kỹ năng nghề nghiệp và sẵn sàng cho Kỷ nguyên Công nghiệp 4.0," bà Phạm Thị Thu Diệp chia sẻ.

IBM đào tạo, nâng cao kỹ năng cho sinh viên Việt Nam hậu dịch bệnh ảnh 2Thiếu lao động lành nghề là một nguyên nhân dẫn đến cản trở tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Khó khăn mà các nhà tuyển dụng trên toàn thế giới gặp phải là tìm kiếm lao động lành nghề - một trong những nguyên nhân hàng đầu cản trở tăng trưởng kinh tế. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nâng cao đồng bộ, đồng đều kỹ năng của lao động thế giới có thể đóng góp 11,5 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu vào năm 2028.

Để làm được điều đó, WEF cho rằng khu vực công và tư nhân cần hợp tác về giáo dục và đào tạo để bắt kịp với nhu cầu thị trường, thay đổi nhân khẩu học và tiến bộ công nghệ.

“Nhân tài ở khắp mọi nơi" ông Arvind Krishna, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành IBM cho biết. “Đây là lý do tại sao chúng ta phải thực hiện những bước đi lớn và táo bạo để mở rộng khả năng tiếp cận các kỹ năng kỹ thuật số, cơ hội việc làm để ngày càng có nhiều người có thể tận dụng lợi thế của nền kinh tế kỹ thuật số.”

Ông Arvind Krishna tiếp tục khẳng định IBM cam kết sẽ cung cấp cho hàng chục triệu người trên thế giới, trong đó có Việt Nam các kỹ năng mới, phù hợp vào năm 2030. Điều này sẽ giúp lấp đầy khoảng cách về trình độ kỹ năng và cung cấp cho các thế hệ lao động mới công cụ để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục